Trong ngành công nghiệp dệt may, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành, tận dụng tiềm năng từ công nghệ hiện đại và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ đem lại lợi ích trực tiếp đến hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của Việt Nam, đóng góp khoảng 16% trong tỷ trọng xuất khẩu của cả nước năm 2019 (1). Có thể nói, dệt may đã trở thành một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành dệt may tăng trưởng âm vào năm 2020, sau 25 năm tăng trưởng liên tục (2). Dịch bệnh tiếp tục gây khó khăn trong thời gian tới và theo nhận định từ các chuyên gia, phải đến năm 2023, tăng trưởng ngành mới có thể trở lại mức tăng trưởng như năm 2019. Tuy khó khăn nhưng ngành cũng có không ít cơ hội, do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn tin tưởng và đưa ra mục tiêu xuất khẩu ngành dệt may đạt 55 tỷ USD vào năm 2025 (1). Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư tái cấu trúc, áp dụng những công nghệ tiên tiến, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm, hợp tác đa phương, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, đẩy mạnh các mặt hàng nguyên liệu thô – bán thành phẩm (OEM/FOB), các mặt hàng thiết kế gốc (ODM)… Trong đó, áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất và chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu.
Hiện trạng ngành dệt may hiện nay
Theo phân tích số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, trong năm 2020, 87,1% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, 53,5% doanh nghiệp bị khách hoãn hủy đơn và 22,9% doanh nghiệp không xuất khẩu được (3). Tính đến hết năm 2020, ngành dệt xuất khẩu 35 tỷ USD, giảm 10,5% so với 2019, trong đó, hai thị trường lớn là Châu Âu và Hoa Kỳ giảm lần lượt 45% và 40% nhu cầu hàng may mặc (1). Đầu năm 2021, xuất khẩu dệt may tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ, mặc dù có dấu hiệu tăng tưởng trở lại, song vẫn còn nhiều bất ổn do tình hình đại dịch vẫn diễn biến phức tạp (4). Vì vậy, năm 2021 được đánh giá là năm khó khăn với ngành dệt may, mặc dù đã có sự tăng trưởng trở lại, nhưng cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn – nguồn cung được đánh giá hồi phục nhanh hơn so với nguồn cầu – cả trong và ngoài nước, do vậy ngành phải tận dụng tối đa những cơ hội hiện có trong tay, song với việc vượt qua các trở ngại và thách thức.
Cơ hội tiềm năng phát triển ngành dệt may
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) được ký kết trong năm 2020 là một cơ hội lớn cho các ngành nghề nói chung và ngành dệt may nói riêng. Với quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý, Hiệp định RCEP – một hiệp định mở ra thị trường 2,2 tỷ người (tương đương 26,200 tỷ USD) (5), là một điểm cộng cho các doanh nghiệp Việt Nam – dự kiến sẽ tạo cơ hội xuất khẩu cho ngành dệt may. Trái ngược với RCEP, hiệp định HEVFTA lại yêu cầu rất khắt khe với nguyên liệu sản phẩm, hiện ở Việt Nam có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của hiệp định này do ngành dệt may đang chỉ tập trung ở phần sản xuất (phần mang lại giá trị thấp trong chuỗi giá trị) mà ít tập trung vào ngành công nghiệp phụ trợ khác (6). Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo ra xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang có xu thế chuyển dịch sang các ngành có chuỗi giá trị cao, tiến tới việc dịch chuyển chuỗi sản xuất ít giá trị sang nước khác. Những xu thế này sẽ tái định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nguồn nhân lực dồi dào có tay nghề cao và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam được nhận định là một nước có nhiều cơ hội trong việc đón nhận chuỗi dịch chuyển. Với các chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần phát triển một chuỗi cung ứng toàn diện hơn và giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thành phẩm do hiện tại Việt Nam còn nhập khẩu hơn 80% lượng vải dành cho sản xuất (7).
Bên cạnh những xu hướng kể trên, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) cũng tạo ra nhiều đổi mới trong quá trình sản xuất kinh doanh và việc tận dụng tiềm năng từ công nghệ sẽ đem đến những bước phát triển bứt phá hơn cho ngành, cũng như đáp ứng được những yêu cầu tăng trưởng bền vững và thay đổi nhanh chóng từ thị trường. Vì vậy, ngành dệt may cần tích cực áp dụng các công nghệ mới vào hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu suất và chất lượng cũng như đẩy mạnh giá trị cạnh tranh.
Cuối cùng là Covid-19, mặc dù gây ra suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng ở một góc độ khác nó cũng tạo ra một cơ hội thúc đẩy việc doanh nghiệp nhìn lại để thấu hiểu sâu sắc hơn doanh nghiệp của mình, xem xét và đánh giá lại chuỗi cung ứng để tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp, liên kết các ngành trong cùng chuỗi giá trị để tạo ra những cơ hội mới. Theo nhận định từ các chuyên gia, chính những thách thức từ Covid-19 đã khiến ngành dệt may trở nên vững vàng hơn với các hành động như giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài và thay vào đó sử dụng nguyên liệu trong nước nhiều hơn, giúp nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Thách thức trong ngành dệt may
Bên cạnh những cơ hội, vẫn còn một số thách thức trước mắt cho ngành dệt may. Một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nằm ở sự cạnh tranh với một số nước trong khu vực. So với các nước như Campuchia hay Banglades, Việt Nam có chi phí sản xuất và mức lương lao động cao hơn. Vì vậy, các nước này đang là đích đến được nhắm tới của những đơn hàng giá rẻ với chi phí thấp hơn nhiều so với nước ta. Do đó, để cạnh tranh, việc phối hợp nhịp nhàng giữa người lao động và công nghệ sẽ là chiến lược cần thiết để doanh nghiệp tối ưu hơn về mặt chi phí khi đồng thời nâng cao hiệu suất hoạt động và mở rộng quy mô thị trường.
Mặt khác, trong cuộc chơi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp bắt buộc phải đối mặt với xu hướng fast fashion (thời trang ăn liền hay thời trang nhanh) được sản xuất trong thời gian cực ngắn. Nếu như trước đây mẫu mã và xu hướng thay đổi theo năm thì bây giờ là theo hàng tháng, thậm chí là hàng tuần. Đặc biệt trong thời gian gần đây, các hãng thời trang ngoại có tiếng như Zara, H&M, Topshop đã thâm nhập vào thị trường thời trang may mặc Việt Nam với giá thành không đắt hơn nhiều, hay đôi khi là rẻ hơn những thương hiệu trong nước, mà mẫu mã lại đa dạng, phù hợp với mọi lứa tuổi. Điều này không những gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước về tiến độ sản xuất mà còn về định mức giá cả.
Thêm vào đó, trong việc áp dụng các công nghệ số, tuy là một xu hướng tất yếu nhưng hiện tại mức độ sẵn sàng hội nhập và đáp ứng CMCN 4.0 của các doanh nghiệp còn ở mức độ chưa cao:
Các doanh nghiệp, trên thực tế triển khai còn gặp những thách thức như chi phí đầu tư lớn, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) sẵn sàng cho CMCN 4.0…
Chuyển đổi số với doanh nghiệp dệt may
Sự chuyển đổi của các công nghệ số và sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải chuyển hướng, thay đổi chiến lược kinh doanh và đổi mới công nghệ nếu muốn đảm bảo lợi thế cạnh tranh, và sự phát triển bền vững trên thị trường.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp dệt may Việt Nam muốn tồn tại và phát triển trên thị trường thì nhất thiết phải chuyển dịch từ phương thức sản xuất truyền thống chủ yếu là gia công sang tự thiết kế và sản xuất thành phẩm. Ngành may mặc trong nước cũng cần được đầu tư công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có thể sử dụng và làm chủ được công nghệ.
Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, là kim chỉ nam và công cụ vô cùng cần thiết cho ngành sản xuất nói chung và ngành dệt may nói riêng. Đồng thời, nó có tác động vô cùng lớn đến hoạt động và sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam. Để nắm bắt những cơ hội, giảm thiểu những khó khăn mà sự chuyển đổi tạo ra, đầu tiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo tiên phong trong sự sáng tạo đổi mới, kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng cho nhân lực doanh nghiệp. Tiếp đến là cải tiến các quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại. Có như vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới chuyển đổi thành công, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững.
Nguồn tham khảo
(1) Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS). 2020.
(2) Bộ công thương. 2020.
(3) Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động. 2020. Hội thảo ngành dệt may 11/12/2020.
(4) Bộ Công thương. 2021. (5) Hiệp hội da giày – túi xách Việt Nam (LEFASO). 2021. Bộ trưởng Công Thương: Muốn đi trên ‘cao tốc’ hội nhập thuận lợi, cần nắm luật chơi. (6) Vietnam Report. 2020. Nắm bắt cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam. (7) Vietnam Credit. 2020. Textile & Garment industry to face the 4.0 industrial revolution. (8) FPT Securities. 2014. Textile & Apparel industry report – Opportunities for breakthrough.
(9) Tập đoàn dệt may Việt Nam, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Viện nghiên cứu Dệt May và Viện Kinh tế & Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội). 2019. Nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với ngành DMVN nhằm đề xuất định hướng chiến lược, chính sách và các giải pháp phát triển trong giai đoạn 2019 – 2030.