2 loại hình hệ sinh thái đang được doanh nghiệp phát triển - FPT Digital
2 loại hình hệ sinh thái đang được doanh nghiệp phát triển
Digital Strategy

2 loại hình hệ sinh thái đang được doanh nghiệp phát triển

Mô hình tổ chức doanh nghiệp hiện nay đang biến đổi mạnh mẽ. Mô hình truyền thống hoạt động với chuỗi cung ứng phân cấp đang dần được thay thế bởi hệ sinh thái doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức độc lập nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra các giải pháp nhất quán từ các sản phẩm hoặc dịch vụ của riêng từng đơn vị.

Ngày nay, khi nghĩ tới hệ sinh thái, nhiều người nghĩ ngay đến các hệ sinh thái số như Apple, Android, Google nhưng cũng tồn tại rất nhiều hệ sinh thái trong các lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, chế biến thủy hải sản, v.v. Tuy nhiên, không thể phủ nhận công nghệ số đã giúp tăng tốc, đẩy mạnh cơ hội tạo dựng các hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Ranh giới giữa các ngành đang dần mờ đi khi hệ sinh thái trải dài các lĩnh vực và các công ty lớn trong ngành bị tấn công bởi những công ty công nghệ và nền tảng mà trước đây chưa từng được coi là đối thủ cạnh tranh.

2 loại hình hệ sinh thái phổ biến hiện nay

Hệ sinh thái doanh nghiệp đang thách thức những cách nghĩ truyền thống về chiến lược. Ranh giới giữa các công ty cũng đang tan biến bởi giá trị mà hệ sinh thái tạo ra được chia sẻ cho nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái. Năm 2019, ba trong số các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam: Masan Group, Techcombank, và VinGroup đã thành lập One Mount Group với tham vọng kiến tạo hệ sinh thái công nghệ lớn nhất Việt Nam, cung cấp các giải pháp và dịch vụ xuyên suốt chuỗi giá trị, từ lĩnh vực dịch vụ tài chính, phân phối, bất động sản và bán lẻ.

Có thể thấy, hệ sinh thái doanh nghiệp mang lại ba lợi ích quan trọng cho các thành viên: vận dụng với các năng lực mà bản thân chưa có, mở rộng quy mô nhanh chóng, linh hoạt và phục hồi trong thời kỳ biến động. Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập đến hai loại hình hệ sinh thái doanh nghiệp phổ biến hiện hành: hệ sinh thái giải pháp và hệ sinh thái nền tảng.

Hệ sinh thái giải pháp nhằm tạo ra và/hoặc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ bằng cách phối hợp với nhiều doanh nghiệp khác nhau trên chuỗi giá trị. Mọi phần của quá trình sản xuất đều có thể được lập kế hoạch và tính toán, và tại mọi thời điểm dọc theo chuỗi giá trị, người mua, người sản xuất hoặc người bán đều được xác định rõ ràng. Thông thường, một hệ sinh thái giải pháp có một công ty cốt lõi điều phối việc hoạt động giữa các doanh nghiệp với nhau, đồng thời, cũng là một mắt xích trong chuỗi giá trị đó. Và đối với các thành viên phát triển mạnh trong hệ sinh thái này, có một mục tiêu chung: lợi nhuận. Đây là mô hình hệ sinh thái đã phát triển từ lâu đời, rất lâu trước khi có sự xuất hiện của Internet và sự xuất hiện của khái niệm “hệ sinh thái doanh nghiệp”. Đơn cử một ví dụ điển hình của hệ sinh thái giải pháp là các doanh nghiệp trong ngành hàng không chịu trách nhiệm từng lĩnh vực riêng trong chuỗi giá trị như Vietnam Airlines phụ trách chở hàng hóa và hành khách, Skypec phụ trách tra nạp nhiên liệu cho máy bay, VAECO phụ trách kỹ thuật sửa chữa máy bay,…

Hình 1: Hệ sinh thái giải pháp của Vietnam Airlines (chưa đầy đủ)

Bên cạnh đó, hệ sinh thái nền tảng lại xuất hiện mạnh mẽ trong thời kỳ kinh tế số. Hệ sinh thái này thường liên kết những người tham gia trong thị trường cả bên bán và bên mua thông qua nền tảng số. Có rất nhiều doanh nghiệp đang xây dựng các hệ sinh thái nền tảng như eBay, Airbnb, YouTube hoặc Uber nhằm mua, bán, giao tiếp hoặc đơn giản chỉ là xem video và tất cả đều diễn ra cùng một lúc trên một nền tảng. Rất nhiều doanh nghiệp lớn ngày nay đều xây dựng riêng cho mình một hệ sinh thái nền tảng. Trong số 7 công ty lớn nhất theo mức vốn hóa thị trường, 5 trong số đó có hệ sinh thái nền tảng (Apple, Microsoft, Google, Amazon, Facebook).

Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tại Việt Nam

Điểm mạnh và điểm yếu của mỗi mô hình hệ sinh thái

Mô hình hệ sinh thái doanh nghiệp trong cùng khu vực đã tồn tại từ lâu, chủ yếu theo hướng hệ sinh thái giải pháp nhằm giúp người mua thực hiện giao dịch thuận tiện và nhanh chóng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp trong các hệ sinh thái này thường kết nối sâu sắc và chặt chẽ hơn bởi có chung mong muốn cho sự phát triển của khu vực cũng như có chung nhiều trải nghiệm liên quan đến môi trường kinh doanh và phong cách làm việc. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp thường liên kết qua mô hình hệ sinh thái thường có trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất. Đơn cử như Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã xây dựng được cho mình một hệ sinh thái giải pháp trong khu vực Nam bộ Việt Nam với việc xây dựng các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất và thương mại các sản phẩm từ tôm, đồng thời cũng hợp tác với các doanh nghiệp, người sản xuất khác trong chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng sâu sắc lên hoạt động vận hành và doanh thu của các doanh nghiệp bởi sự đứt gãy chuỗi ung ứng và hạn chế đầu ra. Trong bối cảnh ấy, nhiều doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh phát triển các nguồn nguyên vật liệu và tiêu thụ hàng hóa trong nước, mở rộng hệ sinh thái nội địa và liên kết chặt chẽ với các đối tác hiện tại cũng như các đối tác mới trong nước nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, để tạo dựng các hệ sinh thái tại Việt Nam hoạt động hiệu quả không hề đơn giản, đặc biệt nguy cơ thất bại tương đối cao khi hệ sinh thái nội địa trở thành một xu hướng khiến nhiều doanh nghiệp làm theo một cách mù quáng. Phần lớn các hệ sinh thái thất bại tại những giai đoạn đầu tiên do những sai lầm chiến lược trong thiết kế ban đầu của hệ sinh thái kinh doanh hoặc do thiết kế hệ sinh thái không thích ứng kịp thời khi các điều kiện công nghệ hoặc thị trường thay đổi. Một trong những ví dụ điển hình là các nền tảng B2B mua bán vật liệu xây dựng, nông sản,… do doanh nghiệp truyền thống lập ra theo mô hình nền tảng B2C của Amazon, eBay hay Taobao. Nguyên nhân thất bại ở đây là hầu hết những người mua đã quen mua bán với riêng mỗi các nhà cung cấp trong hệ này. Các nền tảng B2B mới không mang lại nhiều giá trị cho giao dịch, mà chỉ chuyển giá trị từ nhà cung cấp sang người mua do tính minh bạch và cạnh tranh tăng lên, làm giảm động lực của các nhà cung cấp tham gia vào nền tảng và dẫn đến sự sụp đổ.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 17/11/2024

Một số đề xuất dành cho doanh nghiệp

Trong môi trường kinh doanh nhiều biến số như hiện nay, FPT Digital đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nghĩ đến hệ sinh thái như một giải pháp tạm thời nhằm đoàn kết cùng vượt qua thời kỳ Covid-19, mà còn như một cách để tổ chức nhằm nâng cao giá trị đem lại cho Việt Nam.

Nhằm đạt được điều này, doanh nghiệp cần tự hỏi mình 3 câu hỏi:

  • Doanh nghiệp có cần xây dựng hay tham gia vào một hệ sinh thái không?
  • Thiết kế hệ sinh thái như thế nào?
  • Vận hành hệ sinh thái ra sao cho hiệu quả?

Có cần hệ sinh thái doanh nghiệp không?

Câu trả lời nằm ở môi trường kinh doanh và ở sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Hệ sinh thái là mô hình đặc biệt phù hợp trong môi trường kinh doanh nhiều biến số, dễ thay đổi với sản phẩm có tính mô đun cao mà muốn đáp ứng được cần phải nhiều doanh nghiệp trong ngành hợp tác với nhau. Một sản phẩm hoặc dịch vụ thể hiện tính mô đun cao nếu các thành phần của nó có thể được kết hợp dễ dàng, linh hoạt và được kết hợp với nhau với chi phí thấp. Ví dụ sản xuất các thành phần của điện thoại như màn hình, chip, pin,… có tính mô đun thấp do cần chuyên môn hóa cao nhưng việc sản xuất điện thoại lại dễ dàng kết hợp giữa các thành phần được sản xuất bởi các nhà cung cấp khác nhau nên có tính mô-đun cao, phù hợp để hoạt động theo mô hình hệ sinh thái.

Tương tự, đối với thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp cần xem xét về mặt hàng sản phẩm của mình cũng như môi trường kinh doanh. Nếu mặt hàng của doanh nghiệp thuộc nhóm có tính mô đun thấp, doanh nghiệp có thể tham gia vào các hệ sinh thái lớn hơn mà sản phẩm của mình là một phần trong hệ sinh thái.

Thiết kế hệ sinh thái

Thiết kế hệ sinh thái phù hợp với sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp tham gia cũng như linh hoạt với sự thay đổi của thị trường không hề đơn giản. Đây là nguyên nhân mà 85% hệ sinh thái thất bại. Doanh nghiệp nên lựa chọn hệ sinh thái giải pháp, hệ sinh thái nền tảng hay một sự kết hợp của cả hai? Những công ty nào nên tham gia vào hệ sinh thái? Nguồn thu chính của hệ sinh thái từ đâu? Đây là những câu hỏi mà các doanh nghiệp trong hệ sinh thái cần trả lời trong quá trình thiết kế.

Phần lớn các công ty đều muốn chiếm vai trò điều phối trong hệ sinh thái bởi nỗi lo bị thay thế, bị mất khả năng tiếp cận trực tiếp với khách hàng hoặc phụ thuộc bởi doanh nghiệp điều phối khác. Để đứng vai trò điều phối trong một hệ sinh thái, doanh nghiệp cần được coi là một doanh nghiệp mạnh, có danh tiếng, có năng lực cũng như có vị trí trung tâm trong hệ sinh thái. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp với vai trò người tham gia trong các hệ sinh thái lại hưởng lợi lớn bởi yêu cầu đầu tư thấp, có thể tham gia vào nhiều hệ sinh thái khác nhau, giúp lợi nhuận tăng vượt trội.

Đối với các doanh nghiệp truyền thống tại Việt Nam, có thể lựa chọn việc tham gia vào một hệ sinh thái đã có sẵn, đặc biệt các hệ sinh thái được vận hành bởi các doanh nghiệp công nghệ, nhờ đó các doanh nghiệp truyền thống có thể vận dụng được lợi thế về nền tảng công nghệ, kết nối với lượng khách hàng lớn mà không cần mức độ đầu tư lớn ngay từ ban đầu.

Lựa chọn tham gia hay xây dựng hệ sinh thái, lựa chọn hệ sinh thái giải pháp hay hệ sinh thái nền tảng là lựa chọn của mỗi doanh nghiệp, tùy thuộc vào mô hình kinh doanh và sản phẩm kinh doanh, tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lựa chọn/xây dựng các hệ sinh thái số/ứng dụng công nghệ số bởi đây không chỉ được coi là lợi thế trong thời kỳ dịch bệnh mà theo dự tính, thị trường này sẽ đạt doanh thu lên tới 23 tỷ đô la vào năm 2025 (1).

Vận hành hệ sinh thái

Khác với mô hình hợp tác đơn thuần, đặc điểm của hệ sinh thái là phù hợp với các lĩnh vực cần sự hợp tác cao, chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Do đó, mặc dù khâu thiết kế hệ sinh thái được thực hiện chuẩn, bài bản, nhiều hệ sinh thái vẫn thất bại khi vận hành trong thực tế.

Một trong những nguy cơ đầu tiên là các doanh nghiệp tham gia nhiều hệ sinh thái cạnh tranh nhau cùng một lúc bởi rào cản tham gia thấp, ví dụ như một nhà hàng tham gia cả hệ sinh thái của Shopeefood và Grabfood. Điều này khiến việc duy trì và vận hành hệ sinh thái gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Nguy cơ tiếp theo đối với việc vận hành của hệ sinh thái, đặc biệt đối với hệ sinh thái nền tảng, là việc người mua/bán trong hệ sinh thái sau khi được kết nối với nhau thì làm việc trực tiếp, không qua nền tảng nữa.

Rào cản cuối cùng của một hệ sinh thái mạnh mẽ là sự tự mãn. Đây là ví dụ của Internet Explorer của Microsoft, được coi là đã chiến thắng trong cuộc chiến trình duyệt sau khi chiếm gần 95% thị phần vào năm 2004 (2). Không còn đối thủ nặng ký nào, Microsoft không đầu tư vào việc phát triển thêm trình duyệt và hệ sinh thái, tạo cơ hội cho Firefox và Chrome thâm nhập và cuối cùng chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh nắm vững các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình vận hành, doanh nghiệp cần đảm bảo việc thiết lập các cơ chế hoạt động, cam kết đối với người tham gia cũng như cần liên tục phát triển, chuyển mình nhằm thích ứng với sự thay đổi của điều kiện môi trường.

Hệ sinh thái doanh nghiệp có thể được coi là vô cùng cần thiết đối với sự phát triển trong thời gian tới của nền kinh tế. Tuy nhiên, để hệ sinh thái thành công, doanh nghiệp cần hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mô hình này, cũng như cần đầu tư công sức, thời gian trong công tác thiết kế và vận hành hệ sinh thái. Như một hệ sinh thái ngoài tự nhiên, hệ sinh thái doanh nghiệp cần phát triển, thay đổi, thích ứng với môi trường kinh doanh bên ngoài. Trên thực tế, khả năng linh động của hệ sinh thái chính là sự khác biệt giữa hệ sinh thái thất bại và thành công, dù doanh nghiệp lựa chọn mô hình hệ sinh thái giải pháp hay hệ sinh thái nền tảng.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Vir. 2022 Digital ecosystems the new game-changer in Southeast Asia
(2) Visualcapitalist. 2020 Internet Browser Market Share (1996–2019)

Nghiên cứu nổi bật
01. Ứng dụng phân tích dữ liệu trong ngành logistics và chuỗi cung ứng 02. Tòa nhà thông minh: Cách công nghệ IoT tăng giá trị cho các công ty bất động sản 03. Ứng dụng công nghệ AI trong ngành bảo hiểm  04. Phát triển logistics bền vững và tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng nhờ sử dụng AI
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận