Tiến tới Bền vững: Tầm quan trọng của chuỗi cung ứng xanh - FPT Digital
Tiến tới Bền vững: Tầm quan trọng của chuỗi cung ứng xanh
Internet of Thing

Tiến tới Bền vững: Tầm quan trọng của chuỗi cung ứng xanh

Trong xu hướng phát triển bền vững, môi trường (viết tắt E trong ESG) đã nổi lên như một trong những yếu tố quyết định chuỗi cung ứng xanh. Tập trung cải thiện yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng không chỉ giúp giảm tác động tiêu cực lên trái đất mà còn thúc đẩy hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nó còn tạo ra nhận thức tích cực của người tiêu dùng về sự phát triển bền vững.

1. Vai trò của yếu tố môi trường (Environment) trong chuỗi cung ứng và sự ra đời của chuỗi cung ứng xanh

1.1. ESG là gì?

ESG là một cụm từ viết tắt, đại diện cho ba khía cạnh quan trọng trong tiêu chí đánh giá và đo lường bền vững của một doanh nghiệp, bao gồm: Môi trường (Environment), Xã hội (Social), và Quản trị (Governance). Khái niệm này được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

ESG là một cách tiếp cận toàn diện để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ dựa vào khả năng tạo ra lợi nhuận tài chính mà còn xem xét tác động xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Điều này giúp xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp trong cộng đồng, tăng cường lòng tin của cổ đông, nhà đầu tư, và làm tăng giá trị thương hiệu của công ty.

1.2. Tầm quan trọng của yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng

Yếu tố môi trường (E – Environment trong ESG) đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ bền vững và tương lai của chuỗi cung ứng. Môi trường chịu tác động trực tiếp trên toàn bộ luồng hoạt động sản xuất, vận chuyển và phân phối hàng hóa. Các quy trình sản xuất không bền vững, xả thải ra môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quá mức đều tạo ra tác động tiêu cực đến môi trường.

Khi chuỗi cung ứng không quan tâm đến môi trường, hậu quả có thể dẫn đến sự suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu, và thiệt hại đáng kể về môi trường tự nhiên. Điều này có thể gây ra rủi ro dài hạn về nguồn lực và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tập trung vào yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng có thể mang lại lợi ích to lớn. Việc tối ưu hóa tài nguyên và giảm lãng phí trong quá trình sản xuất, vận chuyển giúp giảm chi phí, cải thiện hiệu quả hoạt động. Đồng thời, đầu tư vào công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường cũng giúp tạo ra giá trị bền vững và thu hút nhà đầu tư, cổ đông quan tâm đến ESG.

Hình 1: Chú trọng đến yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng giúp tạo ra giá trị bền vững

Nhìn chung, việc tích hợp yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy – chuỗi cung ứng xanh – trong tương lai.

2. Tác động môi trường (trong ESG) trong chuỗi cung ứng xanh

Một nghiên cứu của MIT Sloan Management Review cho thấy rằng các doanh nghiệp áp dụng chiến lược bền vững trong chuỗi cung ứng thường có lợi nhuận gấp 3,5 lần so với các doanh nghiệp khác. Càng ngày, các công ty ngày càng nhận ra tầm quan trọng của việc tích hợp yếu tố môi trường vào chiến lược cung ứng của mình như tối ưu hóa tài nguyên và giảm lãng phí. Các doanh nghiệp nhận thấy rằng sử dụng tài nguyên môi trường một cách hiệu quả giúp giảm chi phí và tăng cường hiệu suất hoạt động. Tổ chức Môi trường Quốc tế (IEA) đã chỉ ra việc sử dụng hiệu quả công nghệ có thể giúp tiết kiệm 15% năng lượng tiêu thụ và lượng khí nhà kính.

Ngoài ra, việc giám sát và quản lý rủi ro môi trường trong chuỗi cung ứng cũng là một khía cạnh quan trọng. Các doanh nghiệp phải đảm bảo rằng các nhà cung cấp, đối tác của họ tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định môi trường để tránh rủi ro về pháp lý cũng như hình ảnh của công ty. Theo UN Global Compact và Accenture, 93% CEO (hình 1) thừa nhận rằng tuân thủ các yêu cầu môi trường, xã hội là quan trọng để bảo vệ hình ảnh và danh tiếng của công ty trong thời đại hiện nay.

Hình 2. Khảo sát các CEO về mức độ quan trọng yếu tố môi trường trong ESG với doanh nghiệp. Nguồn: UN Global Compact và Accenture

Thêm nữa, việc tích hợp yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng thời đại mới cũng mang lại nhiều cơ hội kinh doanh mới. Các doanh nghiệp có chiến lược môi trường tích cực có thể tận dụng xu hướng ngày càng tăng về sự quan tâm đến môi trường của người tiêu dùng. Hơn 70% người tiêu dùng đã thể hiện xu hướng chuyển dịch sang các sản phẩm và dịch vụ có tác động tích cực đến môi trường (GlobeScan, 2020). Do vậy, sản phẩm dịch vụ bền vững và thân thiện môi trường có thể thu hút đối tượng khách hàng mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiềm năng.

Có thể bạn quan tâm: Chuỗi cung ứng 4.0 với ngành hàng tiêu dùng

3. Chuỗi cung ứng xanh của IKEA

IKEA – tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới là một minh chứng rõ ràng về thành công trong việc tích hợp yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng. Với những nhận thức rõ ràng về mức độ quan trọng của môi trường và ESG, IKEA đã có những hành động rất quyết liệt nhằm hướng tới các mục tiêu bền vững. IKEA đưa ra cam kết mạnh mẽ, đặt các mục tiêu môi trường với đối tác và nhà cung cấp, cải tiến liên tục và thích ứng linh hoạt:

  • Cam kết mạnh mẽ với bền vững: Từ năm 2018, IKEA đã cam kết trở thành công ty “hoàn toàn tái chế” bằng việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và tái chế 100% trong hoạt động của họ. Họ cũng đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp thân thiện với khí hậu bằng cách giảm lượng khí nhà kính thải ra môi trường. Cam kết này thể hiện mục tiêu phát triển bền vững của IKEA thông qua các bước đi tiên phong.
  • Hợp tác với các nhà cung cấp và đối tác: IKEA đã tạo ra một Hướng dẫn Cung ứng Bền vững cho nhà cung cấp và đối tác (Sustainable Supplier and Partner Guidelines) nhằm thúc đẩy sự tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong chuỗi cung ứng. IKEA đánh giá và hỗ trợ các nhà cung cấp của mình để đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, đồng thời gia tăng hiệu quả bảo vệ môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.
  • Cải tiến liên tục: IKEA thường xuyên thực hiện các đánh giá môi trường và thực hiện các biện pháp cải tiến liên tục. Họ cân nhắc và áp dụng các công nghệ mới, tiến hành nghiên cứu và đánh giá tác động của các sản phẩm và hoạt động để giảm tác động môi trường.
Hình 3: Tập đoàn IKEA luôn chú trọng yếu tố môi trường và ESG trong chuỗi cung ứng, hướng tới mục tiêu bền vững

Qua đó, IKEA đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong việc thúc đẩy bền vững và giảm tác động tiêu cực lên môi trường:

  • Hoàn toàn tái chế: IKEA đã đạt được cam kết “hoàn toàn tái chế”, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong đa số hoạt động của mình. Điều này giúp giảm lượng khí nhà kính và chất thải độc hại thải ra môi trường, góp phần làm giảm tác động tiêu cực lên biến đổi khí hậu.
  • Sản phẩm bền vững: IKEA tích cực thúc đẩy việc sử dụng nguyên liệu tái chế và nguyên liệu bền vững trong các sản phẩm của họ. Họ thiết kế và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu lãng phí và đảm bảo tính bền vững trong quy trình sản xuất.
  • Nền tảng chuỗi cung ứng bền vững: IKEA đã tạo ra các văn bản hướng dẫn nhà cung cấp và đối tác hướng đến cung ứng bền vững, thúc đẩy sự tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường trong chuỗi cung ứng. IKEA hỗ trợ các nhà cung cấp và đối tác để thực hiện các biện pháp cải tiến liên tục và giảm tác động môi trường.
  • Giảm lãng phí và tái chế: IKEA đưa ra các giải pháp tiên tiến trong việc tái chế và sử dụng lại các vật liệu như gỗ và vải, giúp giảm tác động khai thác tài nguyên tự nhiên.

IKEA đã góp phần tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững, xây dựng tiền đề và đóng góp tích cực vào mục tiêu toàn cầu về giảm khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

4. Hướng đến chuỗi cung ứng xanh

Để tích hợp yếu tố môi trường trong chuỗi cung ứng một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần chú ý một số điểm sau:

4.1. Có sự cam kết từ tất cả các cấp

Lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cần thể hiện cam kết mạnh mẽ bằng cách thể hiện tư duy đổi mới và đầu tư cho các dự án có lợi cho môi trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đảm bảo sự tham gia tích cực từ cả các cấp cơ sở thông qua việc đào tạo nhân viên và thúc đẩy ý thức về môi trường trong tổ chức.

4.2. Hợp tác với đối tác và nhà cung cấp có ý thức môi trường

Doanh nghiệp nên thiết lập tiêu chuẩn bền vững và yêu cầu đối tác và nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn này. Họ có thể thực hiện đánh giá và theo dõi tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo tính bền vững trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, để xây dựng chuỗi cung ứng hướng tới môi trường, doanh nghiệp nên hỗ trợ và đồng hành với đối tác và nhà cung cấp trong việc thực hiện các biện pháp bền vững và giảm tác động môi trường. Điều này có thể làm thông qua chia sẻ kỹ thuật tiên tiến, cung cấp tư vấn và hỗ trợ tài chính.

4.3. Ứng dụng công nghệ số hướng đến bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng

Ứng dụng công nghệ số hướng đến bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng là một xu hướng ngày càng phổ biến trong thế giới hiện đại. Công nghệ số mang lại nhiều lợi ích đáng kể trong việc giảm tác động tiêu cực lên môi trường trong các quy trình sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và phân phối hàng hóa.

Một trong những ứng dụng quan trọng là tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận chuyển. Công nghệ số cho phép các doanh nghiệp theo dõi và quản lý chính xác lượng nguyên liệu sử dụng, từng bước sản xuất cũng như hiệu suất vận chuyển. Nhờ đó, họ có thể giảm lượng chất thải và khí thải gây ô nhiễm ra môi trường.

chuỗi cung ứng xanh
Hình 4: Ứng dụng công nghệ số giúp tối ưu hóa vận chuyển

Thêm vào đó, công nghệ số cung cấp các giải pháp thông minh để tối ưu hóa quy trình lưu trữ và phân phối hàng hóa. Các hệ thống tự động thông minh có thể quản lý lượng hàng tồn kho, giảm thiểu lãng phí và sử dụng tối đa không gian lưu trữ. Điều này giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tài nguyên.

Không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mà công nghệ số còn giúp cải thiện việc giám sát tình trạng môi trường. Hệ thống cảm biến thông minh có thể theo dõi chất lượng không khí, nước, và đất, giúp xác định và ngăn chặn sự cố môi trường kịp thời.

Tích hợp công nghệ số trong chuỗi cung ứng cũng đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Các dữ liệu liên quan đến môi trường có thể được truy cập công khai, giúp cộng đồng và các cơ quan giám sát đánh giá và thúc đẩy sự tuân thủ quy định. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đồng thời đóng góp tích cực vào bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) MIT Sloan Management Review. 2019. The Power of Supplier Collaboration
(2) IEA. 2019. The Industrial Energy Efficiency Tracker
(3) UN Global Compact and Accenture. 2019. A New Era of Sustainability: CEO Reflections on Progress to Date, Challenges Ahead and the Impact of the Journey Toward a Sustainable Economy.
(4) GlobeScan. 2020. Global Survey on Sustainability and the Circular Economy

Nghiên cứu nổi bật
01. Vai trò của tài chính kỹ thuật số trong ngành nông nghiệp 02. Vai trò của AI trong tối ưu hóa hoạt động hậu cần (logistics) ngành bán lẻ 03. Kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng và định hướng triển khai 04. Tối ưu lập kế hoạch trồng trọt cho 3 miền hướng tới nông nghiệp bền vững
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận