Chuyển đổi số – ứng dụng sự phát triển của các công nghệ mới để chuyển đổi các quy trình hoạt động kinh doanh, vận hành của doanh nghiệp, đồng thời, hỗ trợ đưa ra các quyết định một cách hiệu quả hơn dựa trên phân tích dữ liệu. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, thực hiện chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin như một nền tảng dựng sẵn sẽ giúp các sáng kiến số vận hành thông suốt và mang lại đầy đủ giá trị cho doanh nghiệp.
Chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) trên thực tế đã được thực hiện trong nhiều năm với các mức độ khác nhau tại các doanh nghiệp, liên quan đến các công việc triển khai mới, nâng cấp phần cứng, phần mềm và quy trình CNTT… Tuy nhiên, nhằm mục đích phục vụ cho chuyển đổi số, chuyển đổi hệ thống CNTT cần tập trung vào các dự án nền tảng để sẵn sàng hỗ trợ cho việc vận hành, kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng như hiện đại hóa hạ tầng CNTT với kiến trúc hệ thống CNTT hai tốc độ linh hoạt, nền tảng điện toán đám mây, xây dựng nền tảng dữ liệu hỗ trợ việc thu thập và phân tích dữ liệu, các công cụ hỗ trợ tự động hóa công việc và các quy trình…
Hệ thống công nghệ thông tin hai tốc độ
Hệ thống CNTT hai tốc độ sẽ được phân chia làm hai phần: phần hệ thống lõi và phần hệ thống vệ tinh. Phần hệ thống lõi là các ứng dụng vận hành doanh nghiệp cơ bản, đòi hỏi sự hoạt động liên tục ổn định, ít thay đổi và dễ dàng kiểm soát. Đó sẽ là hệ thống ERP, tài chính kế toán, nhân sự, CRM, hệ thống quản lý sản xuất MES… Phần hệ thống vệ tinh sẽ bao gồm các ứng dụng, các sáng kiến số cần phát triển nhanh, linh hoạt, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thay đổi của tình hình sản xuất, kinh doanh thông qua các phương pháp phát triển như Design Thinking, Lean Startup, Agile cũng như các công cụ triển khai và vận hành của điện toán đám mây. Hỗ trợ cho hệ thống CNTT hai tốc độ này hoạt động là một nền tảng dữ liệu lưu trữ chung các dữ liệu cần thiết để trao đổi, phân tích và một hệ thống hạ tầng bao gồm các thiết bị mạng, máy chủ, lưu trữ, hệ thống định danh, bảo mật,… Việc phân chia hệ thống cũng rất linh hoạt, tùy theo tình hình thực tế, các ứng dụng thuộc hệ thống lõi cũng có thể chuyển sang mô hình hệ thống vệ tinh để đáp ứng những nhu cầu thay đổi từ khách hàng và trong sản xuất kinh doanh.
Nền tảng điện toán đám mây
Với rất nhiều dịch vụ hạ tầng, công cụ, ứng dụng và nền tảng mà điện toán đám mây hỗ trợ, doanh nghiệp có thể nhanh chóng xây dựng, triển khai và quản lý các ứng dụng, đảm bảo tính sẵn sàng, linh hoạt và bảo mật cho hệ thống CNTT của doanh nghiệp. Ngoài ra với mô hình trả chi phí cho các tài nguyên thực sự sử dụng, điện toán đám mây cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư các hạ tầng dự phòng khi so sánh với phương án tự xây dựng trung tâm dữ liệu.
Nền tảng dữ liệu Datalake
Doanh nghiệp hiện tại ngày càng có nhiều dữ liệu, bao gồm nhiều loại, dưới nhiều dạng khác nhau: cơ sở dữ liệu database, bảng tính excel, văn bản text, videos, thông tin thiết bị IoT… Vì vậy nền tảng dữ liệu Datalake có chức năng thu thập, lưu trữ dữ liệu cho toàn bộ hệ thống CNTT và phục vụ cho việc trao đổi giữa các ứng dụng. Thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, công nghệ AI, doanh nghiệp có thể có các báo cáo tổng hợp của toàn bộ chuỗi giá trị theo thời gian thực và đồng thời, có thể khai thác sâu các dữ liệu để hỗ trợ đưa ra các dự báo sản xuất kinh doanh trong tương lai giúp tối ưu vận hành, tăng doanh thu và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Để tận dụng những dữ liệu này trong tương lai xa hơn, nền tảng dữ liệu cũng cần có danh mục Data Catalog bao gồm cấu trúc và ý nghĩa của các dữ liệu, nhằm phục vụ các nhu cầu khác phát sinh trong tương lai, khi đó, có thể dễ dàng sử dụng các dữ liệu này. Bên cạnh đó, song song với việc xây dựng nền tảng dữ liệu, doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược quản trị dữ liệu để đảm bảo được chất lượng và mức độ bảo mật của dữ liệu trong quá trình thu thập và sử dụng.
Công cụ hỗ trợ tự động hóa quy trình
Các công nghệ mới phát triển có thể giúp doanh nghiệp tự động hóa rất nhiều quy trình mà trước đây tốn rất nhiều thời gian và nhân sự để hoàn thành. Nhờ các quy trình CNTT, các công cụ hỗ trợ DevOps, Infrastructure as a Code, Chatbot, các công cụ giám sát và cảnh báo thông minh theo thời gian thực… sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều nhân sự IT trong quá trình phát triển, triển khai, vận hành và hỗ trợ các ứng dụng. Trong các quy trình sản xuất kinh doanh, các công nghệ RPA sẽ giúp các bộ phận sản xuất kinh doanh không phải tiêu tốn rất nhiều thời gian nhập liệu từ các văn bản giấy, dữ liệu excel… vào ứng dụng xử lý, báo cáo thay vào đó, họ có thể tập trung nguồn lực để phát triển kinh doanh.
Chuyển đổi số đã chứng minh được rất nhiều lợi ích và trở thành xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp nên thực hiện để giữ vững khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chuyển đổi số cũng là động lực và mục tiêu để có thể thực hiện chuyển đổi hệ thống CNTT một cách hiệu quả, hỗ trợ trực tiếp chiến lược sản xuất kinh doanh và đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của doanh nghiệp.