Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ - FPT Digital
Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ
Digital Strategy

Chuyển đổi số không chỉ là công nghệ

Chuyển đổi số đã, đang và sẽ tiếp tục là một xu hướng quan trọng bao trùm lên mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội trên toàn cầu ngay cả khi đại dịch Covid-19 qua đi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi thực hiện Chuyển đổi số hiện chỉ tập trung vào công nghệ mà lại quên mất nhiều khía cạnh quan trọng khác.

Tại Việt Nam, năm 2020 được xác định là năm khởi động Chuyển đổi số quốc gia, nhận thức của toàn xã hội về Chuyển đổi số đã thay đổi nhanh chóng. Sang năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai chuyển đổi số quốc gia cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Từ năm 2019, Chuyển đổi số đã là mối quan tâm hàng đầu trên thế giới. Theo một khảo sát của SAP với 3000 lãnh đạo doanh nghiệp cao cấp tại 17 quốc gia và khu vực, khoảng 96% doanh nghiệp cho rằng Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu và mới chỉ có 3% doanh nghiệp đã hoàn thành triển khai Chuyển đổi số trên toàn doanh nghiệp (1). Phần lớn các sáng kiến số đã không đạt được mục tiêu đề ra. Trong tổng số 1,3 nghìn tỷ USD được chi cho Chuyển đổi số năm 2018, ước tính 900 tỷ USD đã bị rơi vào lãng phí (2). Câu hỏi đặt ra, đó là: Tại sao Chuyển đổi số lại thành công ở chỗ này nhưng lại thất bại ở chỗ khác?

Về mặt cơ bản, Chuyển đổi số có khả năng gia tăng hiệu quả kinh doanh và nâng cao mối quan hệ thân thiết với khách hàng, tuy nhiên, nếu mọi người chưa nhìn nhận đúng đắn để thay đổi và còn tồn tại sai sót trong phương thức tổ chức hiện tại, Chuyển đổi số sẽ làm trầm trọng hoá các sai sót đó. Dưới đây là một vài điểm quan trọng giúp dẫn dắt tổ chức Chuyển đổi số thành công.

1. Hoạch định chiến lược tổng thể phục vụ kinh doanh trước khi đầu tư

Các nhà lãnh đạo có mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức thông qua sử dụng công nghệ số thường suy nghĩ đến một số giải pháp, công cụ cụ thể. Tuy nhiên, để đáp ứng phù hợp chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp trong một bức tranh tổng thể dài hạn, Chuyển đổi số nên được định hướng với một chiến lược toàn diện.

Trong các dự án tư vấn FPT Digital thực hiện với khách hàng, chúng tôi giúp các nhà lãnh đạo hoạch định chiến lược 3 – 5 năm cho sự phát triển của doanh nghiệp, tùy thuộc vào yêu cầu phạm vi thị trường, tại công ty thành viên hoặc toàn tập đoàn và chuỗi cung ứng. Theo đó, ba chiến lược chuyển đổi số tập trung xoay quanh: Vận Hành xuất sắc, Nâng cao trải nghiệm khách hàng và Xây dựng Mô hình kinh doanh mới. Khi các định hướng mục tiêu được xác định, các sáng kiến – công nghệ chuyển đổi số phù hợp và khả thi sẽ được phân tích, đánh giá và lựa chọn, đáp ứng chiến lược hoạch định trong một lộ trình tổng thể.

Bởi vậy, trong việc xây dựng, phát triển và triển khai các sáng kiến số, cách tiếp cận Chuyển đổi số của FPT dựa trên 3 điểm cốt lõi: Suy nghĩ lớn – Khởi đầu thông minh – Tăng tốc nhanh. Định hướng chuyển đổi số sẽ ở tầm nhìn quy mô rộng lớn toàn diện, khi bắt đầu công việc sẽ chọn lọc thông minh những sáng kiến số ưu tiên để bắt đầu thực hiện, thử nghiệm với những chiến thắng ngắn hạn, từ đó, chúng ta sẽ tăng tốc để chuyển đổi số một cách nhanh nhất. Vì vậy, để bắt đầu, định hướng chiến lược đóng một vai trò rất quan trọng.

2. Tập trung vào nguồn nhân lực nội tại của doanh nghiệp

Các tổ chức muốn Chuyển đổi số sẽ có xu hướng cân nhắc thuê một đội ngũ chuyên gia từ bên ngoài vào với hy vọng đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi số cũng như muốn tận dụng các phương thức, giải pháp phù hợp mà họ mang lại dưới danh nghĩa “Best Practices” – đã được thử nghiệm thành công ở một nơi khác. Tuy vậy, điều này chưa chắc chắn về tính khả thi và mức độ thành công. Cách tiếp cận của chúng tôi, đó là tập trung chuyển đổi số từ chính đội ngũ cán bộ nội tại của doanh nghiệp – những nhân viên có kiến thức sâu sắc và hiểu rõ những cách thức hoạt động hiệu quả cũng như những vấn đề còn đang gặp phải trong hoạt động hàng ngày của họ tại doanh nghiệp.

Với những doanh nghiệp có ngành nghề đặc thù và cách vận hành riêng biệt, cách tốt nhất để Chuyển đổi số thành công đó là sự kêu gọi chuyển đổi và tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên hiện có. Tuy vậy, để đưa cả đội ngũ doanh nghiệp tiến nhanh trên hành trình chuyển đổi số, sự chuyển đổi con người cần phải thực hiện để gắn kết họ theo kịp trong sự chuyển đổi chung của tổ chức. Doanh nghiệp sẽ cần phải loại bỏ rào cản Chuyển đổi số trong nhân viên, giúp họ nắm được những lợi ích Chuyển đổi số đem lại cho tổ chức cũng như bản thân họ, tầm quan trọng của họ trong chương trình Chuyển đổi số (đề cập ở ý thứ 3) và xây dựng văn hoá doanh nghiệp số (đề cập ở ý thứ 4).

3. Loại bỏ rào cản Chuyển đổi số trong nhân viên

Nếu nhân viên nhận thức rằng Chuyển đổi số sẽ đe doạ công ăn việc làm của họ, họ có thể có tâm lý, hành vi, thái độ chống lại những thay đổi đó một cách có ý thức hoặc vô thức. Họ có thể có suy nghĩ rằng nếu quá trình Chuyển đổi số không thành công, ban lãnh đạo sẽ từ bỏ nỗ lực và công việc của họ sẽ được “cứu”. Chính vì vậy, điều tối quan trọng là lãnh đạo phải nhận ra những nỗi sợ hãi đó và nhấn mạnh về tầm quan trọng của họ trong quá trình Chuyển đổi số. Chuyển đổi số là cơ hội để nhân viên nâng cao khả năng chuyên môn số để phù hợp, thích nghi với môi trường và thị trường tương lai, mà trong thời đại số, tương lai số, họ chính là những người làm chủ công nghệ.

4. Xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp

Một nền văn hóa số linh hoạt, thích ứng, đề cao sự học hỏi và đổi mới sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả, đưa ra các quyết định nhanh trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường kinh tế – xã hội. Văn hóa số thường được thấy trong các doanh nghiệp khởi nghiệp, họ sở hữu khả năng đưa ra quyết định nhanh, thích ứng, chuyển đổi tăng tốc quyết liệt với cấu trúc phẳng. Trong thời đại số, sự chuyển đổi diễn biến nhanh và phức tạp, vì vậy, những bước đi chuyển đổi cũng có thể được điều chỉnh linh hoạt. Điều này cần được quyết định và thực hiện bởi chính trong đội ngũ của doanh nghiệp. Để đảm bảo sự chuyển đổi bền vững, nền văn hóa số sẽ giúp doanh nghiệp luôn cải tiến và đổi mới chính mình để trở nên đột phá.

 

Có thể khẳng định rằng, Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội phát triển vượt bậc cho doanh nghiệp. Với bề dày kinh nghiệm tư vấn và triển khai các chương trình Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chúng tôi rút ra nhận định: Chuyển đổi số không bao giờ chỉ là việc liên quan đến Công Nghệ mà cần phải có sự phối kết hợp giữa cả 3 yếu tố Kinh doanh – Con người – Công nghệ.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) SAP Insights. n.d. Digital Transformation: 4 Ways Leaders Set Themselves Apart
(2) Harvard Business Review. 2019. Digital Transformation Is Not About Technology

Nghiên cứu nổi bật
01. Vai trò của thương mại điện tử trong thúc đẩy kinh doanh và nâng cao trải nghiệm khách hàng 02. Chuyển đổi kép trong sản xuất nông nghiệp: xu thế và những lợi ích mang lại 03. Dịch vụ công trong đô thị thông minh: Chiến lược xây dựng trải nghiệm tạo nên đô thị đáng sống 04. 3 nhóm ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả năm 2022
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận