Phản ứng với Covid-19 trong ngành nông nghiệp - FPT Digital
Phản ứng với Covid-19 trong ngành nông nghiệp
Digital Strategy

Phản ứng với Covid-19 trong ngành nông nghiệp

Ảnh hưởng của Covid-19 đã phần nào làm thay đổi phương thức hoạt động và vận hành của doanh nghiệp nông nghiệp, thay đổi hành vi mua sắm tương tác tiêu dùng của người dùng, tạo nên một sự bình thường mới không còn xa lạ, đang dần hiện hữu rõ nét hơn.

Ảnh hưởng của Covid-19 trong ngành nông nghiệp trên thế giới

Dưới sự lây lan của dịch Covid-19, các biện pháp ngăn chặn và cách ly đã được đặt ra dẫn đến việc hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã bị ảnh hưởng, trong đó, các mặt hàng nông nghiệp cũng không phải ngoại lệ. Giá hàng hoá của hầu hết các mặt hàng nông sản đã bị tác động sụt giảm (hình 1 & 2) trừ mặt hàng gạo giá tăng do việc hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất khu vực Đông Á và thiếu hụt sản xuất liên quan đến thời tiết.

Hình 1: Giá các sản phẩm nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng dao động với xu hướng giảm bởi Covid-19 (1)
Hình 2: Giá của các sản phẩm nông nghiệp chính đều giảm trừ gạo (1)

Ảnh hưởng của Covid-19 trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam

Tại Việt Nam, theo sau những ảnh hưởng về mặt xã hội, trong giai đoạn tiếp theo có thể là một cuộc đại khủng hoảng về kinh tế do tiếp tục mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mà chúng ta còn chưa thực sự đối diện. Việt Nam cũng không thể không đề phòng những khả năng rủi ro viễn cảnh tương tự sẽ lại xảy ra trong tương lai.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tiêu thụ và xuất nhập khẩu. Theo đánh giá của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV về tác động của Covid-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam, ngành nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trong quý 1/2020 giảm 8% và sản lượng sản xuất các sản phẩm phụ trợ nông nghiệp (hoá chất, phân bón, thiết bị) giảm 5% so với cùng kỳ năm trước khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu đầu vào còn hạn chế. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm sản giảm 4,5%, thủy sản giảm 11,2%, trong đó có nhiều mặt hàng giảm mạnh như cao su (-26,1%), rau quả (-11,5%), cà phê (-6,4%) so với cùng kỳ năm trước. (2)

Hình 3: Lĩnh vực nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 21/01/2025

Nhìn nhận các thách thức và cơ hội tăng trưởng

Bên cạnh những áp lực hiện đang có, Covid-19 đang gây ảnh hưởng lên các khía cạnh vận hành và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bao gồm Tiếp thị & Bán hàng, Tài chính & Thanh khoản, Hoạt động & Chuỗi cung ứng, Hành chính & Nhân sự. Cụ thể, ảnh hưởng tới bốn khía cạnh này như sau:

Hình 4: Ảnh hưởng lên 4 khía cạnh vận hành và kinh doanh của các doanh nghiệp nông nghiệp

Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nhìn nhận, xác định rõ các thách thức cũng như cơ hội tăng trưởng trong giai đoạn này. Theo kết quả hội thảo trực tuyến ngành nông nghiệp được tổ chức bởi VnExpress vào ngày 05/05/2020, với sự tham gia của các đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia ngành nông nghiệp, các bên đã nhận định thách thức và cơ hội tăng trưởng như sau:

Các thách thức trong ngành nông nghiệp Việt Nam:
  • Khó khăn trong việc xuất khẩu thô, xuất khẩu nông sản tươi đến các thị trường, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc.
  • Chưa kiểm soát chặt chẽ được việc mua bán, trao đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.
  • Chuỗi liên kết giữa các nhà bán lẻ trong nước với các chuỗi cung ứng chưa được tốt.
  • Chỉ số tồn kho của các ngành sản xuất cao hơn rất nhiều so với năm trước.
  • Thiếu tính minh bạch đối với các chủ thể từ cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sản xuất và người dùng cuối.
Các cơ hội tăng trưởng trong ngành nông nghiệp Việt Nam:
  • Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến, nếu tận dụng những đường vận chuyển hàng hải có thể giảm nhiều chi phí trung gian, đảm bảo lưu thông hàng hóa.
  • Cơ hội để các doanh nghiệp tập trung vào thị trường trong nước, tận dụng các hệ sinh thái hiện có để phát triển.
  • Tái cơ cấu nhân lực trong nông nghiệp.

Một bình thường mới của ngành nông nghiệp

Trên toàn cầu, kể cả Việt Nam, tập trung để chuyển đổi cho tương lai là một điều rất cần thiết để phát triển mạnh, phù hợp với tình trạng “Bình thường mới” của ngành nông nghiệp. Những biểu hiện trong một bình thường mới bao gồm:

  • Nâng cao các kênh bán hàng số – mua sắm trực tuyến – B2B và B2C – thanh toán không tiếp xúc – hợp đồng số.
  • Tăng cường làm việc, họp trực tuyến.
  • Hạn chế di chuyển người và hàng hóa qua biên giới – nhiều quy định hơn, kiểm tra nhiều hơn, thời gian giao hàng lâu hơn.
  • Nâng cao sự phụ thuộc vào hệ sinh thái trong nước thay vì nước ngoài.
  • Tăng khả năng tự động hóa – ứng dụng robot.
  • Tăng nhu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Những chiến lược hành động khắc phục và phản ứng

Để thích nghi với một bình thường mới và phản ứng với những ảnh hưởng của khủng hoảng tới mỗi lĩnh vực trong ngành, các doanh nghiệp nông nghiệp trên thế giới đã nhận định những chiến lược hành động phản ứng, khắc phục như sau:

Chiến lược hành động phản ứng với covid-19 trong ngành nông nghiệp
Hình 5: Những chiến lược hành động phản ứng, khắc phục

Kết quả hội nghị VIDA (Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam) vào đầu tháng 4/2020 cũng cho thấy mối quan tâm của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt về những sáng kiến, chiến lược thuộc 4 lĩnh vực này. Cụ thể:

  • Sử dụng thương mại điện tử nhằm vận hành linh hoạt chuỗi cung ứng; tích cực tìm cơ hội với các đối tác cũ và phát triển thị trường mới; tìm cơ chế vận hành hiệu quả vận tải đa phương thức để đảm bảo lưu thông hàng hóa; đổi mới sáng tạo, tìm cơ hội trong thách thức.
  • Tập trung tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, ưu tiên hợp tác hỗ trợ sử dụng sản phẩm của nhau giúp duy trì sản xuất hàng hóa.
  • Chuyển đổi kênh phân phối từ truyền thống sang online.
  • Tích cực xoa dịu tâm lý tiêu cực, lo lắng; cùng đối tác và cộng đồng tìm kiếm các giải pháp để vượt qua dịch. Phát triển nguồn nhân lực cho Nông nghiệp số thông qua các chương trình đào tạo tiếp nối.
  • Đẩy nhanh hoàn thiện dữ liệu Nông nghiệp Việt Nam ở những lĩnh vực trọng điểm phục vụ quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu thị trường.
  • Xây dựng chợ online phục vụ mục tiêu tổ chức triển lãm trên không gian ảo.

Thiết kế giải pháp từ ngắn đến dài hạn

Như vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp đã mường tượng được về mặt chiến lược những mục tiêu của họ để phục hồi và phát triển lại trong một bình thường mới.

Theo chúng tôi, đối với từng lĩnh vực bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp nên phân tích những sáng kiến và hành động chiến lược từ ngắn đến dài hạn, theo 3 mức độ: Sinh tồn, Đảm bảo tính liên tục và Chuyển đổi cho tương lai. Các hành động quan trọng nhất cần được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề sinh tồn trong giai đoạn mà các viễn cảnh tương lai còn chưa chắc chắn trước tiên, sau đó là các hành động đảm bảo tính liên tục và cuối cùng là các hành động chuyển đổi cho tương lai.

Giải pháp khắc phục covid-19 trong ngành nông nghiệp
Hình 6: Các giải pháp phản ứng, khắc phục đi từ ngắn hạn đến dài hạn

Dựa trên những chiến lược hành động cụ thể này, các doanh nghiệp nông nghiệp có thể đi vào xác định và phân tích cụ thể các giải pháp phù hợp, lên kế hoạch theo khung thời gian để thực thi triển khai.

Lời kết

Các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự sụt giảm kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại và quan trọng hơn là chuẩn bị để bứt phá trong một bình thường mới. Nhu cầu thị trường, chuỗi cung ứng, hành vi khách hàng, kênh bán hàng và mô hình kinh doanh sẽ thay đổi do những hạn chế về đi lại cũng như vận chuyển, những yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc, và nhiều yếu tố khác.

Các công ty cần đánh giá mọi khía cạnh hoạt động kinh doanh và điều hành bằng một quy trình tối ưu, tập trung giải quyết vấn đề, thích ứng với thực tại mới và lập các kịch bản để xác định chiến thuật sinh tồn song song với các sáng kiến chuyển đổi dài hạn mang tính chiến lược.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Worldbank. 2020. The outlook for commodity markets, and the effects of coronavirus, in six charts.
(2) Thị trường tài chính tiền tệ. 2020. Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành kinh tế của Việt Nam.

Nghiên cứu nổi bật
01. Công nghiệp 4.0 và mối quan hệ giữa sản xuất và trải nghiệm khách hàng 02. Mô hình kinh doanh mới trong nông nghiệp 03. Tối ưu hóa trải nghiệm đa kênh Omni channel với phân tích dữ liệu lớn 04. Giải pháp AI Đa Nhiệm – Công cụ giúp tăng tốc phân tích và dự đoán chính xác
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận