Mô hình nông nghiệp tuần hoàn – Những bài học kinh nghiệm và 03 tác động Kinh tế – Môi trường – Xã hội
Circular Economy

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn – Những bài học kinh nghiệm và 03 tác động Kinh tế – Môi trường – Xã hội

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế được thiết kế để tối đa hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực và giảm thiểu chất thải thông qua việc tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và tái tạo sản phẩm và nguyên liệu. Khác biệt cơ bản so với mô hình kinh tế truyền thống “sản xuất, sử dụng và vứt bỏ”, kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc giữ cho nguồn lực ở trong một vòng lặp tuần hoàn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là một khái niệm ngày càng được chú ý trong bối cảnh toàn cầu hóa nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Mô hình này khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (“sản xuất, sử dụng, và thải bỏ”) bằng cách tạo điều kiện cho việc tái sử dụng, sửa chữa, tái chế, và tái tạo nguồn lực, nhằm mục tiêu tạo ra một chu trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Theo FPT Digital, kinh tế tuần hoàn nông nghiệp dựa trên 3 nguyên tắc chính:

  • Một là, giảm thiểu chất thải và ô nhiễm thông qua thiết kế sản phẩm và quy trình để giảm thiểu chất thải và ô nhiễm từ giai đoạn đầu tiên.
  • Hai là, tái sử dụng và tái chế thông qua các hoạt động tối đa hóa việc tái sử dụng, sửa chữa, tái tạo và tái chế các sản phẩm và nguyên liệu để duy trì giá trị của chúng trong nền kinh tế càng lâu càng tốt.
  • Cuối cùng, kinh tế tuần hoàn nông nghiệp phải tái tạo nguồn lực tự nhiên: Bảo vệ và phục hồi sức khỏe của các hệ thống sinh thái bằng cách trả lại nguồn lực tự nhiên vào môi trường.

1. Tác động Kinh tế – Môi trường – Xã hội của nông nghiệp tuần hoàn

Tác động kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được đánh giá cụ thể qua 3 yếu tố chính bao gồm: Kinh tế – Môi trường – Xã hội

1.1. Tác động về kinh tế:

Ba yếu tố tác động chính về kinh tế từ mô hình:

  • Giảm Chi Phí Nguyên Liệu

Một trong những lợi ích kinh tế rõ rệt của mô hình kinh tế tuần hoàn là khả năng giảm chi phí nguyên liệu. Trong nông nghiệp, việc tái sử dụng chất thải sinh học như phân bón tự nhiên không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí mua phân bón hóa học mà còn giúp bảo vệ môi trường. Một nghiên cứu của Ellen MacArthur Foundation đã chỉ ra rằng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp tiết kiệm đến 700 tỷ USD mỗi năm toàn cầu trong lĩnh vực thực phẩm bằng cách giảm lượng chất thải và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Công ty “EarthCycle” là một trường hợp mẫu mực, họ biến chất thải hữu cơ thành phân compost, giảm nhu cầu về phân bón hóa học đắt đỏ. Bằng cách tái chế 10.000 tấn chất thải mỗi năm, EarthCycle không chỉ cắt giảm 40% chi phí nguyên liệu cho bà con nông dân mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng chất thải đưa vào bãi rác.

  • Tăng Hiệu Suất Sản Xuất

Kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc sử dụng công nghệ tiên tiến và phương pháp canh tác thông minh, giúp tăng hiệu suất sản xuất. Sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ IoT trong quản lý nông trại giúp tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực như nước và phân bón, từ đó tăng năng suất mà không làm tăng chi phí đầu vào. Điều này không chỉ cải thiện lợi nhuận cho nông dân mà còn góp phần vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. AeroFarms là là một công ty nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ canh tác dạng khí mà không cần đất, gọi là canh tác dạng khí (aeroponics), để trồng rau mầm và cây trồng khác trong môi trường kiểm soát hoàn toàn.

Công ty sử dụng hệ thống LED tiên tiến để tối ưu hóa quang hợp và kích thích sự phát triển của cây trồng, trong khi giảm tới 95% lượng nước sử dụng so với nông nghiệp truyền thống. Hệ thống canh tác thông minh của họ cho phép kiểm soát chính xác điều kiện môi trường như ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm, từ đó tăng cường hiệu suất sản xuất và đảm bảo chất lượng nông sản đồng đều quanh năm mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết ngoại vi

  • Mở Ra Thị Trường Mới

Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra cơ hội cho việc phát triển thị trường mới thông qua việc tái chế và tái sử dụng sản phẩm. Trong nông nghiệp, việc chế biến chất thải sinh học thành sản phẩm có giá trị như năng lượng tái tạo hay phân bón hữu cơ mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp mới và tạo ra các nguồn thu mới. Thị trường cho sản phẩm tái chế và bền vững đang ngày càng mở rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Đồng thời, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong nông nghiệp. Việc tìm kiếm giải pháp cho việc tái sử dụng và tái chế nguồn lực khuyến khích sự phát triển của công nghệ mới và mô hình kinh doanh sáng tạo, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế.

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn tác động tích cực tới nền kinh tế
Hình 01: Mô hình nông nghiệp tuần hoàn tác động tích cực tới nền kinh tế

1.2. Tác động môi trường

Bằng cách áp dụng nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, mô hình này không chỉ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo nghiên cứu từ Đại học Wageningen, Hà Lan, nông nghiệp tuần hoàn có thể giúp giảm đến 20% lượng khí thải CO2 so với nông nghiệp truyền thống. Việc tái sử dụng chất thải hữu cơ như phân xanh và compost giúp giảm sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, qua đó giảm lượng khí nhà kính phát thải. Mô hình này thường liên kết với việc sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt. Nghiên cứu cho thấy, áp dụng mô hình tuần hoàn có thể giúp tiết kiệm đến 30-50% lượng nước tiêu thụ trong nông nghiệp.

Trong kinh tế tuần hoàn, việc sử dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, việc giảm sử dụng hóa chất độc hại và việc tăng cường sử dụng phương pháp kiểm soát sinh học giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên các loài sinh vật phi nông nghiệp. Việc này tạo điều kiện cho sự phát triển của các hệ sinh thái tự nhiên và tăng cường đa dạng sinh học.

1.3. Tác động xã hội

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), mô hình nông nghiệp tuần hoàn có khả năng tăng năng suất lên tới 20% trong khi giảm 30% lượng chất thải và phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần vào việc giảm bất bình đẳng và nghèo đói trong cộng đồng nông thôn. Mô hình này cũng tạo ra cơ hội việc làm mới thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp tái chế và xử lý chất thải hữu cơ, tăng cường kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và quản lý nguồn lực. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Môi trường Anh (IEEP) chỉ ra rằng, chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn có thể tạo ra hàng triệu việc làm mới trên toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý chất thải, tái chế, và sản xuất phân bón hữu cơ.

2. Câu chuyện thành công – Danone – công ty phát triển thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững trong nông nghiệp

Một ví dụ tiêu biểu có thể nói đến là Danone, một tập đoàn đa quốc gia với doanh thu 25 tỷ Euro, nổi tiếng với cam kết mạnh mẽ đối với sự phát triển bền vững và sức khỏe người dùng thông qua việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao. Theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn, Danone chú trọng thực hiện các hoạt động nông nghiệp tái sinh, năng lượng tái tạo và đóng gói bao bì bền vững. Với cam kết sản xuất 100% bao bì có thể tái chế, tái sử dụng hoặc phân hủy được vào năm 2025, Danone cũng đặt mục tiêu cắt giảm 50% cường độ carbon và sử dụng 100% điện tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030 nhằm hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn chuỗi giá trị năm 2050

Tuy nhiên, Danone đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn của mình. Các thách thức này bao gồm việc quản lý một chuỗi cung ứng phức tạp trên toàn cầu (Đặc biệt là việc biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nông nghiệp, ảnh hưởng đến sự ổn định của chuỗi cung ứng), thay đổi hành vi tiêu dùng, đáp ứng các quy định môi trường tại từng quốc gia và đầu tư vào công nghệ mới. Đáng nói hơn khi phát thải FLAG của Danone đang chiếm 63% tổng lượng phát thải toàn chuỗi. (FLAG – Forest, Land, Agriculture hay phát thải từ Rừng, Đất và Nông nghiệp là phát thải khí nhà kính liên quan đến nông nghiệp, thay đổi sử dụng đất, quản lý đất đai và lâm nghiệp, ví dụ như cày xới, sử dụng phân bón tổng hợp, chăn nuôi).

Để vượt qua các thách thức này và đạt được mục tiêu NET Zero, đòi hỏi Danone phải giảm mạnh phát thải phạm vi này, áp dụng các phương pháp nông nghiệp phục hồi và nỗ lực cộng tác để cải thiện các phương pháp bền vững của mình. Phương pháp mà Danone đã tiếp cận

2.1. Nông nghiệp tái sinh:

Danone đang thúc đẩy các phương pháp nông nghiệp tái sinh, tập trung vào việc phục hồi, cải thiện và tăng cường sức khỏe của hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm đất, nước, và đa dạng sinh học. Danone cho luân canh cây trồng, tối ưu với các loại thức ăn chăn nuôi thích nghi với địa phương vùng chăn nuôi, chuyển đổi sang thức ăn ít CO2 và nhiều nước hơn cho bò hay chuyển sang sử dụng lúa miến. Tối ưu hóa thành phần chế độ ăn để cải thiện năng suất và hiệu quả sử dụng thức ăn đã giúp giảm lượng khí CH4 trên mỗi lít sữa. Ngoài ra, bằng cách kết hợp các phương pháp canh tác truyền thống với những đổi mới công nghệ hiện đại, Danone ưu tiên loại bỏ khí nhà kính trong trang trại nuôi.

2.2. Đóng gói bền vững:

Với cam kết đảm bảo rằng 100% bao bì của họ sẽ có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy được vào năm 2025. Danone tập trung vào việc hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng tái chế, bao gồm việc phối hợp với các tổ chức chính phủ và ngành công nghiệp để cải thiện hệ thống thu gom, sử dụng lại. Trong năm 2021, 84% bao bì mà Danone sử dụng đã đáp ứng tiêu chuẩn này, tăng từ 80% so với năm 2018. Đối với bao bì nhựa, tỷ lệ này là 74%, tăng từ 65% so với năm 2018. Công ty cũng đã giảm lượng nhựa sử dụng được 60,000 tấn từ năm 2018 đến 2021. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn cho nhựa, nơi nhựa không bao giờ trở thành rác thải hay ô nhiễm.

Cam kết 100% bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy được vào năm 2025 của Danone
Hình 02: Cam kết 100% bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy được vào năm 2025 của Danone

2.3. Năng lượng tái tạo:

Danone thực hiện nhiều bước đi quan trọng trọng việc chuyển đổi các nhà máy sang sử dụng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời và thủy điện. Danone cũng ký kết các Hợp đồng Mua Bán Năng lượng với nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững. Bên cạnh đó, họ lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại một số cơ sở để tự sản xuất năng lượng tái tạo. Danone nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng bằng cách tăng hiệu quả năng lượng trong sản xuất. Điều này phản ánh cam kết của Danone trong việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Kết quả và Tác động:

Kể từ 2017, Chương trình chăm sóc đất nông nghiệp tái sinh của Danone ở Bắc Mỹ đã giúp giảm gần 119.000 tấn C02 và giảm hơn 31.000 tấn carbon. Chương trình đã ngăn hơn 337.000 tấn đất bị xói mòn và 20 triệu gallon nước được chiết xuất từ sữa và tái sử dụng, giúp các đối tác nông dân giảm 3,3 triệu USD chi phí. Năm 2020, lũy kế giảm -8,3% là mức phát thải FLAG tuyệt đối, hướng đến mục tiêu năm 2030 giảm 30,3%. Daone là một trong 13 công ty ‘Triple A’ duy nhất trên toàn thế giới, trong số gần 15.000 công ty được chấm điểm bởi CDP, Tổ chức xếp hạng nỗ lực bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp cho các nhà đầu tư trên thế giới.

Kết quả của chương trình chăm sóc đất nông nghiệp tái sinh của Danone tại Bắc Mỹ
Hình 03: Kết quả của chương trình chăm sóc đất nông nghiệp tái sinh của Danone tại Bắc Mỹ

Kinh tế tuần hoàn của Danone là minh chứng cho thấy sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh truyền thống sang một mô hình bền vững hơn không chỉ là cần thiết để đối phó với các thách thức môi trường ngày nay mà còn mở ra cơ hội kinh doanh mới, tạo ra giá trị lâu dài cho cả công ty và xã hội. Danone đã và đang tiếp tục đầu tư vào các công nghệ và quy trình mới để tối ưu hóa lợi ích của kinh tế tuần hoàn, qua đó khẳng định vai trò tiên phong của mình trong ngành thực phẩm và đồ uống toàn cầu trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Nghiên cứu nổi bật
01. Xu hướng chuyển đổi số trong ngành giáo dục 02. Chuyển đổi Xanh hướng tới ngành chăn nuôi bền vững 03. Sức mạnh của quản trị dữ liệu trong quản lý hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công 04. Ứng dụng AR/VR và không gian 3D tăng trải nghiệm khách hàng khi mua Bất động sản
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận