Các hãng hàng không cần cải tiến để tồn tại, cạnh tranh, cắt giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng trong thị trường khốc liệt và thay đổi nhanh chóng.
Giới thiệu chung về ngành hàng không
Ngành hàng không thế giới đang phát triển mạnh mẽ và bền vững với doanh thu đạt 589 tỷ đô la Mỹ trong năm 2019 (Hình 1). Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu cũng như nhu cầu du lịch và dịch chuyển của giới trẻ chính là hai trong số những lý do chính khiến cho nhu cầu bay ngày càng cao (Hình 2).
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho các hãng máy bay mà còn cả những thách thức lớn, bởi thị trường cạnh tranh ngày càng cao.
Những năm vừa qua, số lượng các hãng hàng không mới đã gia tăng nhanh chóng. Chỉ riêng năm 2017, 79 hãng hàng không mới đã được thành lập(2). 219 hãng khác đã được lên kế hoạch để bắt đầu đưa vào hoạt động trong những năm tới(3). Trên hết, mặc dù giá vẫn là yếu tố quan trọng nhất đối với khách hàng khi đặt chuyến bay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao trong cuộc sống hàng ngày đang dần khiến khách hàng mong muốn trải nghiệm trên bầu trời của họ không thua kém gì dưới mặt đất.
Để đứng vững trên thị trường, các hãng hàng không đang đề ra những giải pháp sáng tạo nhằm cắt giảm chi phí với những công nghệ hiện đại. Dưới đây là những xu hướng chuyển đổi số hàng đầu trong ngành công nghiệp này.
Xu hướng công nghệ trong ngành hàng không
1. Tận dụng dữ liệu khách hàng với IoT và Data Analytics
Dữ liệu có thể cung cấp lượng kiến thức khổng lồ cho các hãng hàng không để có thể thấu hiểu khách hàng một cách sâu rộng và từ đó, các hãng hàng không có thể giao tiếp hiệu quả hơn, phát triển các sản phẩm tốt hơn và cung cấp các giải pháp phù hợp cho từng phân khúc khách hàng.
Tuy nhiên, thu thập dữ liệu không phải là một quá trình dễ dàng đối với ngành hàng không bởi phần lớn khách hàng vẫn đặt vé thông qua một bên thứ ba, ví dụ như các đại lý bán vé trực tuyến. Sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu Data Analytics hiệu quả, đồng thời, hợp tác chặt chẽ với các bên đại lý bán vé trực tuyến là việc làm thiết yếu, giúp các hãng hàng không nắm bắt và tận dụng dữ liệu khách hàng một cách đầy đủ nhất.
2. Cải thiện sự hài lòng của khách hàng với Biometrics
Một số ứng dụng nổi tiếng của Biometrics bao gồm nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng tĩnh mạch lòng bàn tay. Những ứng dụng này đã giúp đem lại hiệu quả trong việc đẩy nhanh thời gian kiểm tra ở các cửa an ninh tại nhiều sân bay từ Athen đến New York.
Năm 2019 đánh dấu sự phát triển của công nghệ Biometrics bởi công nghệ này đã được áp dụng trong các dịch vụ khác, không chỉ tại cửa an ninh sân bay. Công nghệ Biometrics nay đã có thể được sử dụng để hoàn thành thủ tục nhập cư ngay trên máy bay hay thanh toán cho các dịch vụ trên máy bay cũng như cá nhân hóa các chương trình giải trí tùy thuộc vào hành khách đang ngồi trên ghế.
3. Lấy khách hàng làm trung tâm (customer-centric) bằng Trí tuệ nhân tạo (AI)
Ứng dụng phổ biến nhất của AI là chatbot giúp trả lời các câu hỏi phức tạp từ phía khách hàng, đồng thời, cắt giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Ngoài ra, AI hiện nay có thể được sử dụng để phân tích cảm xúc trên mạng xã hội, hỗ trợ các hãng hàng không trong việc thấu hiểu hành vi và phản ứng của khách hàng gần với thời gian thực (near real-time), và từ đó có thể cá nhân hóa các chiến dịch quảng cáo nhằm tăng cơ hội bán hàng / bán chéo.
4. Giảm chi phí và nâng cao hiệu quả với Thực tế tăng cường / Thực tế ảo (AR / VR)
Thị trường thực tế tăng cường và thực tế ảo trong ngành hàng không đang tăng nhanh với tốc độ tăng trước hàng năm kép (CAGR) được ước tính là 61,2% từ năm 2019 đến năm 2025(4) nhờ vô số các ứng dụng của công nghệ này. AR / VR hiện đang được sử dụng trong việc cung cấp môi trường đào tạo ảo với chi phí thiết lập thấp cho các hãng hàng không.
AR còn có thể được sử dụng trong môi trường thực tế bằng cách sử dụng thiết bị đeo (wearables) hoặc di động để đưa nội dung số vào môi trường làm việc của kỹ sư hàng không và giúp họ thực hiện các thử nghiệm và kiểm tra trên máy bay nhanh hơn và chính xác hơn. AR / VR cũng có thể được sử dụng để giải trí trên chuyến bay, ví dụ, mũ bảo hiểm thực tế ảo Airbus có thể tạo ra một trải nghiệm mới lạ cho hành khách xem phim 3D, chơi trò chơi video hoặc chỉ đơn giản là thư giãn trên chuyến bay.
Nhìn về phía trước
Sự thay đổi đột phá của công nghệ đòi hỏi các hãng hàng không phải đặt công nghệ làm chiến lược hàng đầu nếu muốn tiếp tục duy trì và phát triển.
Tuy vậy, trước khi áp dụng AI, IoT hoặc Biometrics, các hãng hàng không trước hết cần phải hiểu các vấn đề hiện tại của doanh nghiệp, thay đổi và sau đó là sáng tạo cách thức làm việc cũng như tạo sự khác biệt đối với các hãng hàng không khác thông qua việc sử dụng công nghệ một cách thông minh. Cách làm việc agile cũng nên được áp dụng để liên tục tinh chỉnh và đưa ra được các ứng dụng phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
Nguồn tham khảo
(1) Statista. 2018. Passenger Airlines.
(2) Anna.aero. 2017. 79 new airlines begin life in 2017; 25 go out of business – Europe has the highest number of start-ups, but also the most failures.
(3) Airlinehistory.co.uk. 2019. Planned Airlines.
(4) MarketsandMarkets. 2019. Augmented and Virtual Reality Market in Aviation by Technology, Function, Component, Application, Product, Vertical And Region – Global Forecast to 2025.