Sản xuất tinh gọn số - Ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống - FPT Digital
Sản xuất tinh gọn số – Ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống
Digital Strategy

Sản xuất tinh gọn số – Ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống

Sản xuất tinh gọn số, ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống, cho phép doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xác định và giảm thiểu lãng phí, đồng thời, nắm bắt chính xác các điểm nghẽn trong quá trình sản xuất tại thời gian thực, từ đó, hạn chế tối đa rủi ro không mang lại giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp.

Định nghĩa “sản xuất tinh gọn 

Sản xuất tinh gọn (Lean manufacturing) là một phương pháp quản trị vận hành sản xuất hiện đại, được phát triển từ mô hình vận hành của nhà máy Toyota từ những năm 1930. Tuy nhiên, phải đến năm 1988, cụm từ “tinh gọn” mới được sử dụng lần đầu bởi tác giả John Krafcik trong bài viết “Triumph of the lean production system” (Sự thành công của hệ thống sản xuất tinh gọn).

Mặc dù xuất phát điểm từ quy trình sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất tinh gọn có thể áp dụng được tại bất kỳ quy trình sản xuất hay thậm chí quy trình cung cấp dịch vụ nào. Ví dụ cho sản xuất tinh gọn là Zara và Uniqlo, 2 hãng thời trang này đã áp dụng phương pháp sản xuất vừa đủ số lượng tiêu thụ để giảm thiểu chi phí phát sinh và lãng phí không cần thiết.

Không chỉ vậy, trong trường hợp của Uniqlo, công ty còn đẩy mạnh hoạt động vận hành tinh gọn hơn nữa bằng cách tối ưu các hoạt động quản lý cửa hàng đến từng phút. Dù là Zara, Uniqlo hay Toyota, mục tiêu vận hành của các công ty này đều có điểm tương đồng, đó là giảm thiểu tối đa các lãng phí không tạo ra giá trị cho khách hàng. Những lãng phí này được chia thành 7 nhóm chính:

7 nhóm lãng phí chính trong sản xuất
Hình 1: 7 nhóm lãng phí chính trong sản xuất

1. Lượng sản xuất thừa: Số lượng sản phẩm sản xuất ra lớn hơn số lượng khách hàng đặt mua hoặc sẽ mua

2. Xử lý thừa: Sản xuất sản phẩm vượt quá tiêu chuẩn mà khách hàng sẵn sàng mua

3. Tồn kho: Các nguyên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm, v.v. trong kho

4. Hàng lỗi: Các sản phẩm lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất, không thể bán cho khách hàng

5. Thời gian chờ đợi: Khoảng thời gian nhân sự không tạo ra giá trị cho khách hàng

6. Thao tác thừa: Quy trình sản xuất có các thao tác thừa, không tạo ra giá trị

7. Vận chuyển: Sự di chuyển của nhân sự hoặc vật tư, thành phẩm giữa các khâu sản xuất

Để đạt được sản xuất tinh gọn và xử lý lãng phí, Womack và Jones – tác giả cuốn sách Lean Thinking: Banish waste and Create wealth in your cooperation (Suy nghĩ tinh gọn: Loại bỏ lãng phí và kiến tạo vật chất cho doanh nghiệp) đã xác định 5 nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp trong vận hành như sau:

Hình 2: 5 nguyên tắc cơ bản trong vận hành sản xuất tinh gọn
  • Xác định giá trị từ góc nhìn khách hàng: Thấu hiểu nhu cầu khách hàng và chỉ tập trung sản xuất, xây dựng các tính năng đem lại giá trị cho sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng sẵn sàng trả tiền
  • Xây dựng sơ đồ dòng giá trị: Xác định các bước cần thực hiện để cung cấp sản phẩm giá trị tới khách hàng, đồng thời, giảm thiểu tối đa các lãng phí trong từng bước đó
  • Tạo ra dòng chảy xuyên suốt: Loại bỏ hoàn toàn các rào cản, trở ngại trong quá trình sản xuất, đảm bảo quy trình sản xuất được vận hành suôn sẻ trong suốt các bước tạo ra giá trị cho khách hàng
  • Thiết lập hệ thống sản xuất theo nhu cầu: Thay vì sản xuất để tồn kho, doanh nghiệp cần sản xuất sao cho vừa đủ số lượng, loại sản phẩm mà khách hàng cần, giúp giảm chi phí tồn kho và lãng phí
  • Hướng đến sự hoàn hảo bằng tinh thần cải tiến liên tục – Kaizen: Doanh nghiệp phải liên tục cải tiến để quy trình sản xuất đạt đến sự hoàn hảo

Từ sản xuất tinh gọn đến sản xuất tinh gọn số

Dù đã trải qua gần 1 thế kỷ, sản xuất tinh gọn vẫn là một phương pháp hiệu quả, phù hợp với môi trường sản xuất hiện đại, bởi xu hướng giảm chi phí, giảm lãng phí và tập trung vào nhu cầu của khách hàng vẫn tiếp tục được duy trì. Hơn nữa, sự xuất hiện của các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ số, đã đưa đến một làn gió mới, không những không thay thế mà còn giúp gia tăng hiệu quả của mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống.

Sản xuất tinh gọn số – Digital lean manufacturing – đã và đang trở thành một xu hướng mới, một sự phối hợp hiệu quả giữa nguyên tắc sản xuất truyền thống và công nghệ số không ngừng thay đổi, giúp quá trình sản xuất trở nên nhuần nhuyễn hơn bao giờ hết.

Sự hỗ trợ của công nghệ số như Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Thực tế ảo/thực tế tăng cường, v.v. giúp xác định và giảm thiểu lãng phí nhanh hơn so với sản xuất tinh gọn truyền thống:

1. Lượng sản xuất thừa: Sản xuất tinh gọn truyền thống giúp giảm thiểu lượng sản xuất thừa nhờ xác định mức độ chênh lệch giữa cung và cầu. Áp dụng công nghệ số, nhà sản xuất có thể nắm được các thông tin này tại thời gian thực để liên tục cập nhật lượng hàng sản xuất phù hợp.

2. Xử lý thừa: Việc xử lý thừa diễn ra khi tiêu chuẩn và quy trình chưa rõ ràng. Đôi khi, người lao động dành nhiều thời gian và công sức để tạo ra sản phẩm tốt nhất, vượt quá yêu cầu của khách hàng, nhưng điều này không có nghĩa là khách hàng sẵn sàng trả tiền thêm cho những sản phẩm này.

Để giải quyết vấn đề này, sản xuất tinh gọn truyền thống đề cao việc chuẩn hóa các quy trình, các tiêu chuẩn, cũng như tập trung vào quản lý chất lượng. Sản xuất tinh gọn số có nhiều ứng dụng giúp giảm thiểu vấn đề xử lý thừa. Một ví dụ có thể kể đến là hoạt động vận hành trong nhà máy được số hóa lên một phiên bản số, giúp nhà sản xuất dễ dàng theo dõi, đánh giá các hoạt động và tránh được sai sót xảy ra trong quá trình vận hành.

3. Hàng tồn kho: Thị trường không ổn định dẫn đến các doanh nghiệp thường sản xuất một lượng hàng tồn kho nhất định để phòng tránh rủi ro. Tuy nhiên, hàng tồn kho càng nhiều đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất càng cao. Sản xuất tinh gọn truyền thống, do vậy, không chỉ sản xuất đủ theo nhu cầu như đã được đề cập ở phía trên, mà còn cho phép các doanh nghiệp chỉ nhập lượng nguyên vật liệu vừa đủ để sản xuất, thay vì tích trữ trước.

4. Hàng lỗi: Quá trình thiết kế chưa hiệu quả và công tác quản lý chất lượng thiếu sát sao dẫn đến hàng lỗi trên chuỗi giá trị. Do vậy, sản xuất tinh gọn tập trung nâng cao hiệu quả của các bước này để giảm thiếu lãng phí liên quan đến hàng lỗi. Với sản xuất tinh gọn số, quy trình này được tối ưu hơn nữa qua việc xác định được chính xác khâu sản xuất cũng như nguyên nhân sản xuất hàng lỗi.

5. Thời gian chờ đợi: Mỗi phút giây công nhân hay máy móc không tạo ra giá trị trong giờ làm việc đồng nghĩa với lãng phí. Phương pháp sản xuất tinh gọn tập trung tối ưu kế hoạch sản xuất, cũng như công tác vận hành trong nội bộ sản xuất, để giảm thời gian chờ đợi giữa các khâu, giúp đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả sản xuất.

Nhằm tập trung vào mục tiêu tương tự, phương pháp sản xuất tinh gọn số vận dụng công nghệ số giúp xác định các điểm nghẽn trong quá trình sản xuất tại thời gian thực, bên cạnh đó, cho phép xây dựng các kịch bản sản xuất tối ưu cho từng trường hợp.

6. Thao tác thừa: Rất nhiều nhà máy hiện nay vẫn phụ thuộc vào các quy trình thủ công và năng lực của công nhân. Các nhà máy sẽ gặp khó khăn khi các công nhân lành nghề nghỉ việc hoặc có các công nhân mới vào nghề. Không chuyển giao kiến thức, đào tạo không hiệu quả, thiếu người quản lý quy trình sản xuất chuyên trách, v.v. là những điểm mà phương pháp sản xuất tinh gọn sẽ tập trung giải quyết.

Ứng dụng công nghệ số hiện đại, sản xuất tinh gọn số vận dụng cảm biến hoặc AR/VR giúp phân tích, đánh giá các bước thực hiện của công nhân, từ đó đưa ra các công thức chuẩn nhằm dễ dàng đánh giá và kiểm soát quy trình sản xuất.

7. Vận chuyển: Sản xuất tinh gọn giảm thiểu tối đa các quy trình không liền mạch, ví dụ như một bán thành phẩm sau khi sản xuất xong cần được vận chuyển đến một phân xưởng khác để tiếp tục quá trình sản xuất ra sản phẩm cuối.

Tuy nhiên, sẽ có những trường hợp bắt buộc cần vận chuyển hoặc công tác vận chuyển tạo ra giá trị về mặt tài chính cho doanh nghiệp hơn. Trong trường hợp này, sản xuất tinh gọn số có thể tính toán nhằm tối thiểu hóa thời gian vận chuyển và xây dựng quy trình sản xuất phù hợp với hiện trạng, cũng như tạo ra giá trị tài chính cho doanh nghiệp.

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 21/01/2025

Khởi động trên hành trình sản xuất tinh gọn số

Để bắt đầu bước đi trên hành trình sản xuất tinh gọn số, có 3 nguyên tắc các doanh nghiệp cần tuân theo:

  • Tập trung xây dựng nhà máy “tinh gọn” trước, “số sau”: Công nghệ số dành được rất nhiều sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà sản xuất nhưng như đã bàn luận ở trên, phần “số” chỉ là phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho phần “tinh gọn” được hoạt động hiệu quả hơn. Do vậy, để có thể ứng dụng phương pháp sản xuất tinh gọn số, các nhà máy cần tập trung tối ưu quy trình, loại bỏ các lãng phí trong quá trình sản xuất trước khi nghiên cứu phương thức ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý, vận hành sản xuất.
  • Chuyển đổi con người: Trong quá trình xây dựng lại nhà máy theo hướng tinh gọn số, các nhà máy sẽ trở nên tối ưu và tự động hóa, đồng nghĩa với việc có thể một số bộ phận công nhân, quản lý cần được nâng cao năng lực để đáp ứng với những yêu cầu của công việc mới. Các công tác đào tạo, truyền thông và quản trị thay đổi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo lực lượng lao động có đủ năng lực, kiến thức sẵn sàng đáp ứng với các quy trình mới, đảm bảo quá trình sản xuất tinh gọn sẽ diễn ra suôn sẻ.
  • Bắt đầu nhỏ: Dịch chuyển từ quy trình sản xuất hiện tại sang sản xuất tinh gọn số là một sự chuyển đổi vô cùng lớn. Tuy lợi ích của sản xuất tinh gọn số đem lại vô cùng lớn, điều này không có nghĩa là các nhà máy cần triển khai càng nhanh càng tốt. Như mọi sự chuyển đổi lớn khác, tất cả cần có thời gian để thử nghiệm, để đào tạo nhân sự, để dần thay đổi quy trình, để thử nghiệm và tìm ra cách ứng dụng phù hợp nhất với từng doanh nghiệp.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) Bain & Company. 2019. Digital Lean: a guide to manufacturing excellence.
(2) Deloitte. 2020. Digital Lean manufacturing.

Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản 02. Tác động của chuyển đổi số đến xây dựng và phát triển đô thị 03. Phát triển du lịch thông minh nhờ ứng dụng nền tảng công nghệ 04. eKYC, giải pháp thu hút khách hàng online trong ngành tài chính ngân hàng
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận