Ngành nông nghiệp trong thời đại số - FPT Digital
Ngành nông nghiệp trong thời đại số
Digital Strategy

Ngành nông nghiệp trong thời đại số

Những nhu cầu về tiêu thụ và an ninh lương thực thực phẩm yêu cầu các doanh nghiệp nông nghiệp cần phát triển mạnh mẽ hơn, cùng với những ảnh hưởng từ Covid-19, tạo áp lực nên nền nông nghiệp cần thực hiện chuyển đổi nhanh chóng để bứt phá mục tiêu.

Nhìn chung về ngành nông nghiệp

Dân số trên toàn cầu bùng nổ một cách nhanh chóng đã đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế thế giới cũng như đối với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Dân số thế giới hiện tại đang là 7.7 tỷ người và dự đoán tăng lên 8 tỷ vào năm 2023 và sẽ là 10 tỷ vào năm 2056 (1). Điều này sẽ làm tăng rõ rệt và đáng kể nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là về lương thực, thực phẩm trong tương lai.

Lượng tiêu thụ gạo trong ngành nông nghiệp
Hình 1: Lượng tiêu thụ và sản lương gạo thế giới (đơn vị: triệu tấn) (2) – Lượng tiêu thụ gạo thế giới vẫn tiếp tục tăng trong khi sản lượng gạo toàn cầu lại giảm nhẹ

Bên cạnh đó, dưới tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, chế biến và thu hoạch vụ mùa đã gặp nhiều khó khăn bởi tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từ trước đến nay vốn đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhân công.

Các chính sách thắt chặt xuất nhập khẩu trên toàn cầu cũng đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng gây rủi ro tới nguồn cung và giá cả thực phẩm, nông sản của từng khu vực phụ thuộc vào thời gian và các biện pháp phòng chống dịch. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nói chung và các mặt hàng nông sản Việt Nam nói riêng.

Kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp
Hình 2: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản (3)

Hướng đi cho ngành nông nghiệp

Để khôi phục lại sự tăng trưởng, các đơn vị bộ ngành cùng các doanh nghiệp nông nghiệp cần có các chính sách kế hoạch và đưa các ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất để đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong tương lai.

Trong thời đại công nghệ 4.0, công nghệ số thâm nhập vào mọi ngành nghề, vì vậy ngành nông nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc đua công nghệ số. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp không những tập trung vào công nghệ cao có thể áp dụng trong ngành mà còn tập trung vào các công nghệ kỹ thuật đặc thù như kỹ thuật máy móc phân tích giống, gen, v.v.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chuỗi cung ứng nông nghiệp và công nghệ thông tin đã thành lập một số hiệp hội nông nghiệp số như VIDA – Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam, được thành lập với mục tiêu “Giàu từ nông nghiệp” nhằm phát triển nền nông nghiệp số Việt Nam sánh với nền nông nghiệp phát triển ở các quốc gia lớn trên thế giới.

Tìm hiểu ngay: Chuyển đổi số trong nông nghiệp là gì? Đâu là hướng đi hiệu quả

Những công nghệ đang được chú trọng nghiên cứu và ứng dụng trong ngành

1. Cảm biến Internet vạn vật (IoT)

Cảm biến IoT đã và đang dần được ứng dụng phổ biến bởi đem lại những tác động lớn trong ngành nông nghiệp. IoT đang thực hiện đơn giản hóa việc thu thập, giám sát dữ liệu bằng cảm biến trên các thiết bị đặt tại các cánh đồng. Người nông dân sử dụng các thiết bị IoT giúp theo dõi quá trình phát triển của cây trồng, vật nuôi cũng như giám sát điều kiện môi trường, theo dõi tình trạng máy móc.

Thông tin từ các thiết bị IoT được thu thập và kết nối lên Cloud giúp người nông dân quản lý dữ liệu trồng trọt từ xa, có khả năng cảnh báo những biểu hiện bất thường, dự đoán điều kiện môi trường thích hợp cho sản xuất. Đồng thời, những dữ liệu này chính là nguồn cung cho công nghệ trí tuệ nhân tạo và bản sao số được đề cập ở phía sau.

2. Máy bay không người lái (Drone)

Công nghệ drone đã và đang được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp trên thế giới, nhằm hỗ trợ tối ưu các khâu công việc từng đòi hỏi nhiều sự can thiệp của con người như giám sát việc nuôi trồng một cách thủ công. Công Nghệ Drone cũng đã được đưa vào ứng dụng trong việc tự động gieo hạt giống, phun thuốc trừ sâu và tưới nước cho hoa màu.

Trong tương lai, drone sẽ còn được ứng dụng phổ biến hơn, giúp tối ưu hiệu suất công việc trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, drone sẽ được ứng dụng phát triền để tối ưu lượng nước tưới cây trồng và thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo được năng suất chất lượng cao.

Tại Việt Nam, công nghệ đã và đang trong giai đoạn thí điểm sử dụng nhằm cải thiện năng lực canh tác và kiểm soát dư lượng trong sản xuất lúa (4).

 

3. Công nghệ cảm biến và kiểm soát chất lượng RFID

RFID từ viết tắt thuật ngữ tiếng Anh: Radio Frequency Identification, hay Nhận dạng qua tần số vô tuyến, là một công nghệ dùng kết nối sóng vô tuyến để tự động xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể. Trong nông nghiệp, người nông dân, nông doanh nghiệp có thể gắn các thẻ cảm biến RFID lên các đối tượng từ cây trồng vật nuôi đến các sản phẩm hàng hóa, cung cấp cho mỗi đối tượng một mã ID duy nhất hỗ trợ theo dõi vị trí cũng như truy suất nguồn gốc nông sản.

Ứng dụng công nghệ này giúp người nông dân xác định được vị trí cây trồng, vật nuôi, giúp người bán hàng nắm được vị trí sản phẩm trên kệ, trong kho và nguồn gốc của sản phẩm đến từ nhà cung cấp nào. Do người tiêu dùng ngày càng có xu hướng quan tâm tới chất lượng thực phẩm, ứng dụng công nghệ giúp khách hàng biết rõ nguồn gốc của sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao sự hài lòng của khách hàng và xây dựng lòng tin ở khách hàng.

4. Trí tuệ nhân tạo (AI)

Dựa trên những dữ liệu về điều kiện môi trường, đất, nước, thời tiết, v.v, AI hỗ trợ phân tích các dữ liệu nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu và dự đoán, hỗ trợ người nông dân sử dụng những kết quả phân tích này để đưa ra các quyết định một cách đơn giản và chính xác hơn.

Trong ngành nông nghiệp, trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu ứng dụng phân tích dữ liệu để có thể dự đoán thời điểm tốt nhất để gieo hạt, tạo giống cũng như lựa chọn những đặc điểm nguồn gen nào là phù hợp nhất với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng từng địa phương hay đưa ra các dự đoán về dịch bệnh.

Trí tuệ nhân tạo mang tính ứng dụng lớn. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng doanh nghiệp cần có nền tảng dữ liệu đầu vào phù hợp, chính xác, được tinh lọc, và xử lý ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả.

5. Công nghệ bản sao số (Digital Twin)

Digital twin là mô hình ảo của một quá trình, sản phẩm, dịch vụ, v.v. Digital twin là một công nghệ dù mới xuất hiện gần đây nhưng cũng đã được ứng dụng trong nông nghiệp.

Việc kết hợp theo dõi giữa thế giới ảo và thực thể cho phép giám sát, phân tích dữ liệu và có thể xác định trước các vấn đề, dự đoán vấn đề để lên kế hoạch cho các giải pháp xử lý đúng thời điểm để ngăn chặn, ứng phó với vấn đề xảy ra trong thực tế mà nó đã xảy ra tương tự tại mô hình ảo. Công nghệ này thúc đẩy nông nghiệp phát triển bằng cách liên tục theo dõi toàn bộ quá trình từ sản xuất đến tiếp thị và bán hàng.

Thị trường Digital Twin trong ngành nông nghiệp
Hình 3: Thị trường Digital Twin (Tỉ đô) theo khu vực (5)

Thống kê cho thấy thị trường Digital Twin trên thế giới đã đạt mức 3.8 billion USD vào năm 2019 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và đạt con số gấp gần 7 lần vào năm 2025. Điều này cho thấy tiềm năng của Digital Twin sẽ tiếp tục được đưa vào ứng dụng trong tương lai.

Hướng tới tương lai

Chuyển đổi số giúp đem lại những thay đổi tiềm năng trong việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động vận hành trong tương lai của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, trong và sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19, nhu cầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ dần trở nên lớn hơn. Bởi nền nông nghiệp số nói chung và người nông dân nói riêng đều được hưởng lợi từ việc ứng dụng những công nghệ số trong việc tăng cường khả năng nắm bắt, kiểm soát, giám sát những vấn đề trong các hoạt động sản xuất, trồng trọt hay chăn nuôi, chế biến, kinh doanh.

Ứng dụng phù hợp những công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng sẽ làm giảm tác động đến hệ sinh thái tự nhiên và cải thiện mức độ an toàn lao động cho người nông dân, đồng thời, góp phần giữ giá lương thực ổn định và đảm bảo hệ thống sản xuất lương thực thực phẩm sẽ theo kịp sự gia tăng dân số toàn cầu. Đã đến lúc các nông doanh nghiệp sử dụng những công nghệ chuyển đổi số phù hợp để thay đổi và tối ưu cách làm việc và kết quả của họ.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) DanSo. 2020. Dân số thế giới.
(2) IASVN. 2019. Dự báo thị trường lúa gạo thế giới.
(3) Vietnam+. 2020. Kim ngạch xuất khẩu nhiều nông sản chính giảm mạnh.
(4) Nông Nghiệp Việt Nam. 2019. Máy bay không người lái và công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp.
(5) Markets and Markets. 2020. Digital Twin Market – Global Forecast to 2025.

Nghiên cứu nổi bật
01. Cảnh báo và dự báo điều kiện môi ​trường trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo 02. Tác động của chuyển đổi số đến xây dựng và phát triển đô thị 03. Sản xuất tinh gọn số – Ứng dụng công nghệ số vào mô hình sản xuất tinh gọn truyền thống 04. Bán lẻ mới: Sự kết nối hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận