Trong quá trình Công Nghiệp Hóa – Hiện Đại Hóa như hiện nay, ngành công nghiệp sản xuất đang có lộ trình và cơ hội lớn để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội đó vẫn còn những khó khăn cơ bản trước mắt cần phải vượt qua.
Bối cảnh ngành sản xuất truyền thống
Các mô hình sản xuất truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải liên tục tìm cách thích nghi, đáp ứng những nhu cầu không ngừng thay đổi và các tiêu chuẩn sản xuất mới. Đứng trước áp lực từ các đối thủ cạnh tranh trong ngành, việc cạnh tranh không chỉ dừng lại bằng cách khẳng định những giá trị đem lại cho các bên liên quan thông qua các hoạt động tiếp thị đơn thuần mà bằng cách khẳng định năng lực sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh và phát triển liên tục đòi hỏi các đơn vị này không những phải đẩy nhanh tốc độ đáp ứng yêu cầu khách hàng, mà còn phải đảm bảo được quy mô, lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất.
Những cơ hội mới cho ngành sản xuất truyền thống
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị sản xuất ngày nay đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm ra những giải pháp mới để phát triển lợi thế khác biệt với đối thủ. Theo tư duy đó, nhiều doanh nghiệp đã dịch chuyển từ mô hình sản xuất (MP – Mass Production) quy mô lớn sang cá nhân hóa quy mô lớn (MC – Mass Customization). MC được định nghĩa là “sử dụng công nghệ và hệ thống nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với từng khách hàng riêng biệt mà vẫn đạt được hiệu quả như sản xuất hàng loạt”. Bằng việc lựa chọn cá nhân hóa làm lợi thế bán hàng, mô hình MC được xây dựng dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của khách hàng, đặt khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động và tạo giá trị đáp ứng những nhu cầu đó. Khả năng thành công của mô hình MC phụ thuộc rất lớn vào việc nhận biết và theo kịp xu hướng khách hàng. Hơn nữa, dưới góc nhìn toàn cầu hóa, số hóa và chia sẻ kinh tế, phần lớn khách hàng đang dịch chuyển hành vi sang sử dụng những dịch vụ mang tính bền vững. Ứng dụng mô hình MC giúp doanh nghiệp dự đoán, phản ứng nhanh và đáp ứng tốt nhu cầu của nhóm khách hàng này. Một trong những loại mô hình MC tập trung phát triển tính bền vững chính là mô hình Hệ thống sản phẩm-dịch vụ (PSS – Product Service System), được nhiều doanh nghiệp sử dụng như một đòn bẩy nhằm đáp ứng các tiêu chí bền vững trên nhiều phương diện: kinh tế, môi trường, hiệu quả.
Mô hình Hệ thống sản phẩm-dịch vụ – hướng đi mới của các doanh nghiệp sản xuất
Theo nghiên cứu được công bố từ Deloitte, công nghệ tiên tiến và nhân lực chất lượng cao là hai yếu tố chính quyết định khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần củng cố giá trị chuỗi sản xuất bằng công nghệ và quy trình tiên tiến. Điều này giúp các doanh nghiệp tránh khỏi bẫy cạnh tranh giá cả, đồng thời là bước nền tảng để chuyển đổi sang mô hình hệ thống sản phẩm-dịch vụ. Các công ty sản xuất dự báo rằng, đến năm 2020 sẽ có 47% sản phẩm được ứng dụng công nghệ thông minh, khả năng kết nối cao giúp doanh nghiệp tạo ra doanh thu từ mô hình hệ thống sản phẩm-dịch vụ PSS (Forbes, 2018). Một dự báo khác của Capgemini cho rằng, nếu doanh nghiệp đầu tư phát triển theo hướng này, trị giá ngành sản xuất toàn cầu có thể tăng thêm từ 519 tỷ cho tới 685 tỷ USD vào năm 2020.
Mô hình PSS là một hướng đi tiềm năng, hiện đang được nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng đầu như DuPont, Xerox, Rolls Royce, Phillips… áp dụng. Cơ sở vận hành của mô hình này là kết hợp sản phẩm đi kèm dịch vụ với sự ứng dụng công nghệ, từ đó, sử dụng sản phẩm như một nền tảng nhằm cung cấp các giá trị gia tăng, trong đó, nhà sản xuất sẽ trực tiếp sở hữu sản phẩm thay vì khách hàng. Từ đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi về kinh tế, giảm thiểu những rủi ro vận hành khi trực tiếp sở hữu sản phẩm và được cam kết về những kết quả mà sản phẩm đem lại.
Về cơ bản, có 3 loại mô hình PSS chính (Springer, 2018):
Nhìn chung, các mô hình PSS đều đem lại những giá trị đôi bên cùng có lợi theo hướng đi bền vững hơn các mô hình truyền thống, giảm thiểu việc lãng phí sản phẩm, nguyên liệu và có những tác động tích cực tới môi trường. Đồng thời, PSS thúc đẩy khả năng tiếp cận của doanh nghiệp tới hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động sản xuất kinh doanh khác với chi phí tối ưu, giảm thiểu rủi ro.
Ứng dụng công nghệ nhằm hiện thực hóa mô hình PSS
Để triển khai được mô hình PSS, bản chất các sản phẩm cần phải có tính kết nối cao nhằm tạo nên một nền tảng thông tin xuyên suốt. Vì vậy, một trong những công nghệ cần được tận dụng triệt để là Internet vạn vật (IoT). Trong vận hành sản xuất, IoT được sử dụng kết hợp cùng các cảm biến thông minh giúp nhà sản xuất thu thập các dữ liệu liên quan, từ đó đánh giá được khả năng đáp ứng của sản phẩm và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với khách hàng.
Một ví dụ của mô hình PSS tập trung vào kết quả là chương trình TotalCare của Rolls Royce – Power by the hour (được triển khai từ cuối năm 1990 – tạm dịch là Vận hành theo giờ bay), giúp các hãng bay tối ưu hiệu suất khai thác và giảm thiểu rủi ro về chi phí. Thay vì bán cả động cơ với giá trị lớn, Rolls Royce sẽ tính phí các hãng hàng không dựa trên số giờ vận hành của động cơ và kiểm soát hiệu suất từ xa. Để triển khai được chương trình này, Rolls Royce sử dụng nhiều cảm biến IoT để thu thập các dữ liệu liên quan tới vận hành động cơ, từ đó hãng có thể dự báo mốc thời gian cần bảo dưỡng và chủ động điều chỉnh hiệu năng, tối ưu chi phí khai thác và kéo dài tuổi thọ động cơ. Ngoài ra, Rolls Royce cũng cung cấp các dịch vụ gia tăng vòng đời sản phẩm (PSS tập trung vào sản phẩm) như chịu trách nhiệm sửa chữa, tái chế động cơ, từ đó giảm thiểu số lượng phụ tùng cần sản xuất và đảm bảo an toàn môi trường.
Trên thế giới có nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối nội thất văn phòng, nhưng số thương hiệu có thể cung cấp dịch vụ toàn diện như Wilkhahn là không nhiều. Ứng dụng mô hình PSS tập trung vào sản phẩm, Wilkhahn không chỉ bán nội thất mà còn tặng kèm dịch vụ kiểm tra kỹ thuật định kỳ 3 lần trong suốt 5 năm. Đối với các sản phẩm đã cũ không còn đạt tiêu chuẩn sử dụng, khách hàng có thể lựa chọn nâng cấp lên các sản phẩm tương tự. Khi kết thúc vòng đời sản phẩm, Wilkhahn sẽ cung cấp dịch vụ thu hồi và tái chế, và nếu khách hàng mua sản phẩm thay thế thì công ty sẽ miễn phí thu hồi sản phẩm cũ. Wilkhahn không chỉ quan tâm tới số lượng ghế bán ra mà còn phát triển những dịch vụ giá trị gia tăng xoay quanh. Đây là bài toán đôi bên có lợi, khi khách hàng thì giải quyết được những bài toán liên quan tới bảo trì và thanh lý sản phẩm, còn Wilkhahn thì tái chế được các sản phẩm cũ và tối ưu chi phí sản xuất.
Fractory – một nền tảng sản xuất vật liệu thép đã được sáng lập tại Estonia vào năm 2017. Đây là một nền tảng PSS tập trung vào ứng dụng điển hình, cho phép khách hàng có nhu cầu gia công vật liệu tải lên file thiết kế CAD, sau đó hệ thống sẽ báo giá ngay theo nhu cầu, lựa chọn và tự động kết nối khách hàng với đối tác cung cấp. Giá đơn hàng sẽ được tính dựa theo dữ liệu lịch sử từ các đối tác cung cấp và các kỹ sư có thể thực hiện được nhiều nghiệp vụ khác nhau trên một nền tảng tập trung. Vì giá đơn hàng được tính toán dựa theo bản vẽ có sẵn, các đối tác gia công sẽ không phải thực hiện thiết kế. Điều này giúp tiết kiệm 20% thời gian cho các kỹ sư và tối ưu hoạt động của các dây chuyền sản xuất bên thứ ba.
Là hướng đi bền vững cho doanh nghiệp, mô hình kinh doanh sản phẩm dịch vụ được dự báo sẽ trở thành tương lai của ngành sản xuất. Công nghệ số hóa đang dần xóa nhòa ranh giới của sản phẩm và dịch vụ, khi đó các doanh nghiệp sản xuất sẽ cùng kết hợp trên cơ sở đôi bên cùng có lợi nhằm đem lại cơ hội và nguồn lợi nhuận mới cho doanh nghiệp.
Source:
https://books.google.com.vn/books?hl=en&lr=&id=PyVhDwAAQBAJ&oi=fnd&pg=PA265&dq=Product+Service+System+opportunities&ots=Dtk5bExvTR&sig=9t7-KaBpkJVV6OZUwU1fbHUWAKs&redir_esc=y#v=onepage&q=Product%20Service%20System%20opportunities&f=false https://documents.deloitte.com/insights/2018DeloitteSkillsGapFoWManufacturing https://www.manufacturingglobal.com/top-10/top-10-manufacturing-trends-2019 https://www.gartner.com/imagesrv/books/iot/iotEbook_digital.pdf https://pages.checkpoint.com/cyber-attack-2018-mid-year-report.html?utm_source=blog&utm_medium=cp-website&utm_campaign=pm_wr_18q3_ww_cyber%20attack%202018%20mid-year%20report http://www.weda.org/weda/wp-content/uploads/2018/02/MDrewRodriguez-FRI-AM.pdf https://www.forbes.com/sites/louiscolumbus/2018/06/24/predicting-the-future-of-digital-manufacturing-2018/#6db7e3d87c9b https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2212827116300580 https://link.springer.com/content/pdf/10.1007%2F978-3-319-70223-0.pdf https://www.rolls-royce.com/media/our-stories/discover/2017/totalcare.aspx