Xây dựng chính phủ số bắt đầu từ đâu?
Digital Strategy

Xây dựng chính phủ số bắt đầu từ đâu?

Chuyển đổi số hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Khi đại dịch Covid bùng phát thì Chính phủ số đã chứng minh vai trò quan trọng thông qua các dịch vụ trực tuyến cung cấp thông tin, chính sách kịp thời đến người dân giúp họ hiểu và gắn kết trong thời gian giãn cách xã hội.

Chính phủ số được định nghĩa là việc sử dụng công nghệ số trong chiến lược hiện đại hóa của chính phủ để tạo ra các sản phẩm dịch vụ mới mang tính cá nhân phục vụ cộng đồng. Một chính phủ số có một hệ sinh thái bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, các hiệp hội và công dân cùng nhau hỗ trợ cung cấp và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cho các dịch vụ công. Chuyển đổi số hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động trên nhiều quốc gia trên thế giới.

Để đạt tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số thì phần lớn các quốc gia sẽ trải qua một bước đệm là Chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) để nâng cao hiệu quả và tăng sự minh bạch của quy trình hoạt động trong các cơ quan ban ngành và các dịch vụ trực tuyến công. Vì vậy đây là một bước quan trọng trong việc tiến tới Chính phủ số.

Khuôn khổ của Chính phủ số sẽ được mở rộng hơn, bao gồm việc sử dụng những công nghệ số tiên tiến để cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, cũng như mở nguồn dữ liệu toàn quốc để cho phép đổi mới trong quy trình quản trị và vận hành(1).

Chính phủ điện tử là một bước đệm để tiến tới Chính phủ số
Hình 1: Chính phủ điện tử là một bước đệm để tiến tới Chính phủ số

Bốn yếu tố phổ biến của Chính phủ số

Hình 2: Bốn yếu tố phổ biến của Chính phủ số

Chính quyền với Chính quyền (G2G) là việc kết nối các cơ quan chính quyền ở các cấp thông qua trao đổi thông tin nội bộ và chia sẻ dữ liệu dễ dàng hơn. Hệ thống On-nara BPS của Hàn Quốc là một ví dụ về dự án G2G thành công. Hệ thống này chuẩn hóa và tích hợp các thủ tục kinh doanh của chính quyền trung ương và địa phương bằng cách sử dụng BRM- Mô hình tham chiếu kinh doanh.

‘Quản lý tài liệu’ là một trong những chức năng được sử dụng rộng rãi nhất của On-nara BPS. Đơn vị tổ chức có thể tạo, chia sẻ, báo cáo và phê duyệt tài liệu trực tuyến. Chính phủ Hàn Quốc có thể theo dõi hiệu quả của công việc chính phủ và quản lý nguồn thông tin giữa các chính quyền trung ương và địa phương thông qua hệ thống On-nara BPS(2).

Chính phủ với Doanh nghiệp (G2B) là các dịch vụ của chính phủ cho doanh nghiệp được cải thiện và có quy trình minh bạch hơn nhờ công nghệ số. GoBusiness là một nền tảng trực tuyến của Singapore để kết nối các chủ doanh nghiệp với các dịch vụ và tài nguyên điện tử của Chính phủ. Họ có thể đăng ký kinh doanh, xin giấy phép và trợ cấp trên website một cách dễ dàng.

Cổng thông tin GoBusiness đã rút ngắn quy trình nộp đơn xin cấp giấy phép thường mất rất nhiều thời gian cho chủ doanh nghiệp. Họ không còn phải dành nhiều thời gian tìm kiếm thông tin và nộp nhiều đơn riêng lẻ tại nhiều nơi mà chỉ cần điền một đơn được hệ thống gợi ý để hoàn thành quy trình xin giấy phép kinh doanh(3).

Chính phủ với người tiêu dùng / công dân (G2C) là sáng kiến số được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tương tác với chính phủ khi sử dụng dịch vụ công. GovService là một trong những sáng kiến số của thành phố Durham, Anh cho chiến lược gắn kết với công dân.

Hiện tại, hơn 90% các quy trình và giấy tờ đơn cho dịch vụ công đều được truy cập trực tuyến từ một nguồn, tạo sự thuận lợi hơn cho công dân và cũng giúp Chính phủ dễ dàng quản lý trên số liệu thu nhận. Kết quả là số lượng giao dịch qua trực tuyến tăng, dẫn đến giúp tiết kiệm chi phí lên đến 308,000 đô USD một năm, và con số này dự kiến sẽ tăng dần theo thời gian(4).

Chính phủ với nhân viên chính phủ (G2E) liên quan đến việc nâng cao hiệu quả làm việc và trải nghiệm của nhân viên chính phủ. Chính phủ Pháp đã tạo ra France Connect để cung cấp một môi trường đáng tin cậy trong đó dữ liệu thông tin có thể được trao đổi một cách an toàn giữa các cơ quan quản lý.

Các quản trị viên có tài khoản France Connect sẽ có thể truyền tất cả thông tin cần thiết cho một thủ tục hành chính cụ thể và bỏ qua dữ liệu không cần thiết. Người dùng có thể chấp nhận hoặc từ chối trao đổi thông tin. France Connect hoạt động như một trung gian đáng tin cậy, xác thực ID của người dùng trước khi bất kỳ dữ liệu nào được trao đổi, đảm bảo tính bảo mật cao(5).

Bài đọc nhiều nhất
Digital Strategy 04/10/2024
 

Năm giai đoạn phát triển của Chính phủ số

Theo Liên hợp quốc và Hiệp hội hành chính công Hoa Kỳ, thông thường Chính phủ số sẽ có 5 giai đoạn phát triển như sau:

  1. Giai đoạn sơ khởi: Một hoặc một vài trang web độc lập, quầy kiosk tra cứu thông tin của chính phủ cung cấp thông tin chính thức căn bản nhưng còn hạn chế.
  2. Giai đoạn tăng cường: Thông tin được cập nhật liên tục qua nhiều kênh thông tin như trang web có các công cụ tra cứu, đường dây nóng, dịch vụ tin nhắn SMS/RSS, ứng dụng trên điện thoại thông minh, v.v.
  3. Giai đoạn tương tác: các cổng thông tin tích hợp các dịch vụ công và có tính tương tác cao giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ ở mức độ phức tạp hơn. Người dân được hỗ trợ giải đáp thắc mắc bằng chức năng chat trực tuyến và kết nối trực tiếp với bộ phận liên quan. Ngoài ra, thông tin và các mẫu đơn mới nhất đều được truy cập dễ dàng qua một nguồn.
  4. Giai đoạn thức đẩy giao dịch số: Ngoài việc điền đơn và ký online, người dân có khả năng thực hiện các giao dịch trực tuyến hoàn chỉnh và an toàn, chẳng hạn như trả các phí dịch vụ, gia hạn chứng minh nhân dân, tải giấy tờ và cập nhật hồ sơ khai sinh trực tuyến thông qua cổng thông tin của chính phủ. Các doanh nghiệp cũng có thể đấu thầu trực tuyến công khai để cung cấp dịch vụ cho chính phủ. Quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền được thực hiện trên môi trường điện tử.
  5. Giai đoạn tích hợp toàn diện: Một mạng lưới kết hợp các dịch vụ G2G, G2C và C2G tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thông qua một cổng thông tin web hoặc ứng dụng điện thoại, người dùng có thể truy cập và giao dịch thuận tiện các loại dịch vụ được cá nhân hóa liên quan đến giáo dục, việc làm, sức khỏe, an sinh xã hội, môi trường, pháp luật công lý cũng như là có thể tham gia các chương trình cần ý kiến xã hội; các cơ quan nhà nước ở các cấp độ thực hiện giao dịch hai chiều trong môi trường bảo mật cao với quy trình được tự động hóa(6).
Hình 3: Năm giai đoạn phát triển của một chính phủ điện tử(6)

Việt Nam trong hành trình xây dựng Chính phủ số

Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2020, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng lên 2 bậc từ năm 2018(7) với Chỉ Số Cung Cấp Các Dịch Vụ Trực Tuyến cao(8) cho thấy sự nỗ lực không ngừng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp so với chỉ số trung bình của các quốc gia trong khu vực.

Hình 4: Sơ đồ cột so sánh chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam với các quốc gia(7)

Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để học hỏi và mở rộng các dịch vụ của Chính phủ số. Việc triển khai Chính phủ số không thể được coi là một quy trình một bước hoặc được thực hiện như một dự án đơn lẻ mà nó liên tục được cải tiến, bao gồm nhiều giai đoạn phát triển.

Hiện nay, dựa trên định nghĩa năm giai đoạn phát triển chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, phần lớn các tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai giai đoạn 1, 2 trong việc cung cấp thông tin về chính sách và quy trình thực hiện thủ tục hành chính, thông tin liên lạc và đường dây nóng hỗ trợ. Giai đoạn 3, 4 cũng đang dần được hoàn thiện với một số cổng thông tin cho phép khai đơn và đóng phí trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử.

Theo báo cáo PAPI 2020 – Chỉ Số Hiệu Quả Quản Trị Và Hành Chính Công Cấp Tỉnh Việt Nam, Đà Nẵng có Chỉ số quản trị điện tử cao nhất toàn quốc (3,6), theo sau là Bắc Ninh (3,45), Hà Tĩnh (3,06), Quảng Ngãi (2,37), Kon Tum (2,92) và Vĩnh Long (3,03). Tuy nhiên, so với thang điểm 1-10, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước còn có chỉ số khá khiêm tốn. Đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ(9).

Như vậy, kết quả cho thấy các tỉnh, thành phố cần nỗ lực hơn trong việc triển khai các giải pháp Chính phủ số để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động cơ quan nhà nước. Xây dựng Chính phủ số sẽ là mối quan tâm hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế – xã hội của tỉnh.

Việc triển khai các dự án Chính phủ số vốn phức tạp sẽ cần chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn với sự tham gia của người dân và các nhà lãnh đạo trong vai trò xác định các giá trị kinh tế và xã hội cần đạt được. Từ đó, xây dựng được lòng tin, đảm bảo tính khả thi và áp dụng rộng rãi cho mọi đối tượng.

Ngoài ra, lộ trình xây dựng Chính phủ số kết hợp cùng với đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT và phát triển nguồn nhân lực sẽ mang lại một bức tranh toàn diện cho tầm nhìn dài hạn và bền vững hơn.

 

 

Nguồn tham khảo
(1) OECD. 2014 Public trust as a driver for digital government efforts in Sweden
(2) K|Developedia. 2013 Ministry Of Public Administration And Security
(3) Gobusiness. Singapore. Government e-Services for your business
(4) Granicus. Digital Government Services Definition
(5)Joinup. 2015 France Connect: an ID federation system to simplify administrative processes
(6) Publicadministration. Benchmarking E-government: A Global Perspective
(7) Pubicadministration.2020 Data Country Viet Nam
(8) Publicadministration. 2020 E-Government Survey
(9) Papi. 2020 Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam

Nghiên cứu nổi bật
01. Xây dựng giải pháp chuyển đổi số hiệu quả cho doanh nghiệp 02. Ứng Dụng Trí Tuệ Nhân Tạo Trong Bảo Mật Thông Tin Tài Chính 03. Bán lẻ mới: Sự kết nối hài hòa giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến 04. Ngân hàng bảo vệ dữ liệu người dùng như thế nào?
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.


    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận