'Chạm tới khách hàng' - xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp sản xuất - FPT Digital
‘Chạm tới khách hàng’ – xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp sản xuất
Tin tức

‘Chạm tới khách hàng’ – xu hướng chuyển đổi của doanh nghiệp sản xuất

DxTalks tập 6 mùa hai với chủ đề “Chạm tới khách hàng – Xu hướng chuyển đổi của các nhà sản xuất và bán lẻ” có sự tham gia của Phó Tổng giám đốc Kềm Nghĩa Trần Minh Tú, COO FPT Retail Nguyễn Đỗ Quyên và Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital Lê Vũ Minh. Người dẫn chương trình là chuyên gia Phạm Hồ Chung – Giám đốc tư vấn tại Công ty tư vấn chuyển đổi số FPT Digital.

Tại đây, chuyên gia FPT Digital cùng 2 lãnh đạo FPT Retail và Kềm Nghĩa đã chia sẻ câu chuyện về mối liên hệ giữa bên sản xuất và chuỗi bán lẻ trong việc đem những sản phẩm dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng, cũng như cách lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của họ.

Với góc nhìn từ nhà sản xuất, lãnh đạo Kềm Nghĩa chia sẻ cách họ đang tiếp cận khách hàng như thế nào, việc chuyển đổi số hướng tới khách hàng đem lại hiệu quả ra sao cho doanh nghiệp. Còn FPT Retail nói chung và Long Châu nói riêng là góc nhìn từ chuỗi bán lẻ, với câu chuyện ngành này đóng vai trò như thế nào trong việc kết nối doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời đang làm gì để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ở góc độ chuyên tư vấn chiến lược chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, FPT Digital đưa ra khuyến nghị cần lưu ý khi doanh nghiệp bước vào chặng đường chuyển đổi số.

Theo host Hồ Chung, chúng ta đã quen thuộc với 2 mô hình truyền thống để bán sản phẩm ra thị trường, là bán cho một doanh nghiệp khác (B2B) hoặc bán cho người tiêu dùng ta (B2C). Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã tạo ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới, đơn cử như B2B2C – sự kết hợp giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng; hay D2C, phân phối trực tiếp tới khách hàng, qua các hệ thống cửa hàng chính hãng, website bán hàng hay thương mại điện tử mà không cần hình thức trung gian nào.

xu hướng chuyển đổi số chạm tới khách hàng, nhà sản xuất và bản lẻ, DxTalks S2 EP6
Ảnh. Host và các chuyên gia thảo luận tại DxTalks số 6

Ông Trần Minh Tú cho biết, là một công ty sản xuất chuyên về kềm và một số sản phẩm phục vụ ngành nail, Kềm Nghĩa đặt ra mục tiêu phát triển mạng lưới phân phối Omnichannel phủ tất cả các kênh. Kềm Nghĩa đã có 120 đại lý (Retailer), khoảng 6.500 outlet, 7.000 gian hàng tại các siêu thị. Song song đó, Kềm Nghĩa đã xuất khẩu sang 35 nước với khoảng 150 đối tác phân phối trên toàn thế giới. Bài toán đặt ra với Kềm Nghĩa là làm thế nào để tiếp cận được khách hàng, đồng thời khách hàng trải nghiệm được dịch vụ sản phẩm và có thể kết nối với doanh nghiệp một cách tốt nhất (từ đặt hàng đến nhận thông tin sản phẩm mới hay phản ảnh về các sản phẩm và dịch vụ). Để giải được bài toán này, Kềm Nghĩa cần làm từng bước, không chỉ nhờ nội lực công ty mà còn phải thông qua các đối tác tư vấn và đối tác chuyển đổi số.

COO Nguyễn Đỗ Quyên của FPT Retail, đơn vị đang sở hữu 3 chuỗi bán lẻ FPT Shop, F.Studio và nhà thuốc Long Châu cho rằng chuỗi bán lẻ là cánh tay nối dài của các nhà sản xuất. Tính riêng hệ thống nhà thuốc Long Châu với khoảng 7 triệu giao dịch mỗi tháng, cùng mạng lưới gần 1.100 cửa hàng phủ kín 63 tỉnh thành, kết nối gần 1.000 nhà sản xuất, 8.000 dược sĩ, bà Quyên cho rằng nếu không có sự trợ giúp của công nghệ thì doanh nghiệp không thể quản lý được. “Chuyển đổi số đã giúp Long Châu có một bước ngoặt lớn trong năm 2022. Còn về mặt dữ liệu, nhà bán lẻ đóng một vai trò rất quan trọng để giúp cho nhà sản xuất có thông tin tin cậy để cải thiện chất lượng sản phẩm của mình”, bà Quyên nhấn mạnh.

Từng tham gia nhiều dự án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Vũ Minh, tiếp tục chia sẻ về tầm quan trọng của việc thấu hiểu khách hàng cũng như việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ.

“Từng góc độ khác nhau, chúng ta luôn luôn có các lợi ích, cách tiếp cận khác nhau đối trải nghiệm khách hàng”, ông Minh nói. Ông cũng cho rằng, mô hình phổ biến mà các doanh nghiệp hiện nay có thể áp dụng là Omnichannel, có thể kết hợp giữa online và offline, trong đó công nghệ thông tin hay chuyển đổi số sẽ giúp các công việc liền mạch hơn. Khi chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang một mô hình tiếp cận gần hơn với khách hàng và mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, các doanh nghiệp cần thực hiện qua 3 bước cơ bản. Đầu tiên, cần xác định các bước chuyển dịch mang tính chiến lược và lên kế hoạch cụ thể cho quá trình chuyển dịch này. Tiếp theo, thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp để có thể linh hoạt và sẵn sáng cho quá trình này. Thứ ba là có những KPI để đo đếm kết quả đạt được và xem xét những việc cần điều chỉnh để đáp ứng trải nghiệm của khách hàng, vì thực tế nhu cầu của khách hàng luôn thay đổi. Trong quá trình này, việc thu thập dữ liệu rất quan trọng. Các công nghệ như Bigdata, AI sẽ giúp việc thu thập này trở nên đơn giản hơn.

Qua những phần chia sẻ của các chuyên gia, người nghe có thể hình dung được tầm quan trọng của việc có một cái chiến lược rõ ràng trong định hướng đường đi của “con tàu doanh nghiệp”, tầm quan trọng của việc kết hợp nhuần nhuyễn kinh doanh và yếu tố nền tảng công nghệ để đạt được mục tiêu cuối cùng.

Theo VNExpress

Tin tức khác
01. Chuyển đổi số là cơ hội để SMEs thành doanh nghiệp lớn 02. FPT Digital công bố lộ trình Chuyển đổi số cho Công ty CP Viconship, mở ra triển vọng đồng hành trong giai đoạn triển khai 03. FPT Digital tham dự Vietnam DX Summit 2021 04. FPT Digital và Văn phòng Ban IV tập huấn kiến thức chuyển đổi số – chuyển đổi xanh cho thế hệ trẻ
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận