Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024: Thị trường tín chỉ carbon cần sớm thoát khỏi tình trạng ‘mơ hồ’ - FPT Digital
Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024: Thị trường tín chỉ carbon cần sớm thoát khỏi tình trạng ‘mơ hồ’
Tin tức

Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024: Thị trường tín chỉ carbon cần sớm thoát khỏi tình trạng ‘mơ hồ’

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều bất cập và thiếu cơ sở hạ tầng. Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024, các chuyên gia đã thảo luận về tình trạng hiện tại và tiềm năng của thị trường này. Dù đã có nhiều doanh nghiệp quốc tế đến “đặt chỗ”, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá thụ động, đặc biệt trong việc thương thảo giá cả và phát triển các dự án phát thải chất lượng. Đối với những công ty đang đầu tư vào công nghệ thu hồi khí CO2 và năng lượng tái tạo, đây là cơ hội để chuyển mình nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức trong việc tối ưu hóa hạ tầng và chi phí đầu tư.

Thị trường tín chỉ carbon đã có những bước chân đầu tiên, nhưng “dấu chân carbon” ở mỗi doanh nghiệp thì dường như vẫn còn đang rất “mơ hồ”. Đây là những nội dung được các diễn giả chia sẻ trong phiên “Giao lưu giữa người mua người bán tín chỉ carbon”, nằm trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn Kinh tế Xanh 2024 chủ đề “Tăng tốc để tăng trưởng xanh”, tổ chức bởi Tạp chí Kinh tế Sài Gòn ngày 19-9.

Mới chỉ có nhiều giao dịch tự phát

Đánh giá về thị trường tín chỉ carbon, ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng, Việt Nam đang đi chậm hơn đáng kể so với thị trường quốc tế.

Tin mừng là ở thời điểm này, thị trường bắt đầu khởi động nhưng ở trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và các doanh nghiệp còn “khá thụ động”.

Theo đó, thị trường tín chỉ carbon manh nha từ năm 2017 nhưng chủ yếu các nhà đầu tư ngoại đến “đặt chỗ”, thậm chí trả trước mà tín chỉ đó chưa được xác nhận. Đến thời điểm này thì nhiều dự án mua bán theo hợp đồng song phương trong khi chưa có sàn giao dịch, tức gần giống như hoạt động môi giới hơn.

“Giá tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện tại thấp một phần vì tính thụ động, chúng ta chưa chủ động tìm người mua để đàm phán về giá cũng như chưa có dự án chất lượng”, ông An đánh giá.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đang chủ động đầu tư vào lĩnh vực tín chỉ carbon, nhưng chủ yếu chỉ mới dừng bước ở công nghệ.

Theo đó, ông Nguyễn Trí Huệ, Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Đông Dương (DDG), cho biết công ty đang triển khai công nghệ thu hồi khí hóa lỏng CO2 từ khói thải nhà máy. Hiện DDG có nhà máy Bà Rịa Vũng Tàu, với công suất thu hồi thiết kế 80 tấn CO2 mỗi ngày, cũng như chủ động giảm phát thải từ nguyên liệu đầu vào, sử dụng nhiên liệu sinh khối (biomass) cũng như đầu tư máy móc đo đếm khí thải.

“DDG đang tìm hiểu thị trường carbon trên thế giới, hiện tại đang kết hợp tiến đến hướng đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp, có giải pháp giúp giảm khí thải carbon, tối ưu hóa hệ thống khí thải”, ông Huệ nói.

Còn ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT, Công ty Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) nói rằng, tin mừng là nhà nước quyết tâm xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Điều này mang đến hi vọng cho doanh nghiệp, nhưng thực tế chính sách vẫn đang đi chậm. “Đáng ngạc nhiên là chậm với cả doanh nghiệp chế biến, trong đó có cả chế biến để xuất khẩu”, ông Mạnh nói.

Cũng theo đại diện SADACO, ngành gỗ xuất khẩu từ lâu đã yêu cầu về vấn đề môi trường. Nhưng còn một khó khăn nữa là yêu cầu từ khách hàng không đồng nhất, khách hàng cần chứng chỉ thì doanh nghiệp phải đầu tư máy móc. Đầu tư thì không rẻ và tốn kém, nhưng có đơn hàng khác thì lại không cần. “Chúng tôi cần chính sách bền vững cho sản xuất”, ông Mạnh nói.

Đi từ kiểm kê đến phát hành

Ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, cho rằng bước đầu tiên là doanh nghiệp cần công cụ để kiểm kê khí thải theo các chuẩn quốc tế. Đánh giá kiểm kê khí phát thải để doanh nghiệp biết đang đứng ở đâu, vượt chuẩn hay chưa hoặc vẫn còn “room” để có thể chuyển giao cho bên cần. Số liệu này là bước đầu để tổ chức khác xác nhận rồi phát hành tín chỉ carbon.

Tương tự, ông Trần Minh Tiến, Công ty Netzero Carbon Việt Nam, đơn vị tư vấn liên quan đến tín chỉ carbon và đang thực hiện dự án trồng lúa, nói rằng doanh nghiệp cần công ty tư vấn để đứng ra đo khí thải, xác định “dấu chân carbon”. Sau đó khi làm rồi thì cần bên tư vấn theo một tiêu chuẩn nhất định trên thị trường.

Còn theo ông An, tín chỉ carbon trên thị trường tuân thủ theo quy trình quốc tế nhưng việc xây dựng được là một câu chuyện dài hơi.

Ông An lưu ý các dự án theo tiêu chuẩn nổi bật hiện nay đặt yếu tố hàng đầu là phương pháp luận của nhiều ngành và lĩnh vực: từ trồng rừng, sử dụng đất, nông nghiệp, năng lượng, thu hồi carbon… “Miễn sao dự án được thiết kế kỹ thuật khoa học tuân thủ theo phương pháp luận đó thì sẽ phát hành được tín chỉ carbon”, ông An khuyến nghị về cách tăng khả năng phát hành tín chỉ carbon của doanh nghiệp.

Đặt câu hỏi tại sự kiện, ông Đào Ngọc Hùng, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Vietcombank-Bonday-Benthanh, nói rằng thị trường tín chỉ carbon hiện nay được nói rất nhiều nhưng vẫn còn rất mơ hồ. Công ty này hiện quản lý tòa nhà Vietcombank Tower (quận 1, TPHCM) đạt chứng chỉ bền vững theo chuẩn LEED.“Bản thân doanh nghiệp rất cần tư vấn về trung hòa carbon một cách cụ thể hơn. Tôi có thể mua ở đâu và cần mua bao nhiêu”, ông Hùng nói.

Theo Sài Gòn Times

Tin tức khác
01. Chính thức khởi động dự án hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và FPT Digital 02. Đại diện FPT Digital là thành viên của Forbes Technology Council 03. Ký kết dự án xây dựng chiến lược Chuyển đổi số tại Vietsovpetro 04. Dịch vụ Đào tạo Chuyển đổi số của FPT Digital được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2023
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận