Logistics đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương mại trên toàn cầu, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận hành. Theo dự báo, ngành Logistics toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 9.4077,5 tỷ USD năm 2023 lên 15.978,2 tỷ USD vào 2032, với tốc độ kép hàng năm (CAGR) đạt 6,4%. Các công ty hàng đầu đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án chuyển đổi số nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rộng rãi trong quản lý kho hàng, tối ưu hóa tuyến đường và dự đoán nhu cầu,… tạo ra các bước tiến vượt bậc trong việc tự động hóa và tối ưu hóa logistics.
Tại Việt Nam, ngành Logistics cũng đang bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng cũng không thiếu cơ hội để bứt phá. Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có quy mô nhỏ và nguồn lực tài chính còn hạn chế trong khi chuyển đổi số và áp dụng AI đòi hỏi đầu tư dài hạn vào cơ sở hạ tầng công nghệ và đào tạo nhân sự, sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa quy trình vận hành.
Báo cáo “Chuyển đổi số và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong ngành Logistics” được thực hiện bởi FPT Digital, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và phát triển nhân sự, coi đó là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp logistics có thể nắm bắt cơ hội, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Báo cáo này thực sự là tài liệu hữu ích cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số, gồm ba phần. Phần đầu tiên làm rõ vai trò của chuyển đổi số trong việc phát triển ngành logistics, và các xu hướng công nghệ AI nổi bật như dữ liệu lớn, logistics xanh, máy bay không người lái và tự động hóa.
Phần thứ hai đi sâu vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành logistics, từ thực trạng và triển vọng áp dụng AI, cho đến những lợi ích mà nó mang lại như tăng năng suất, giảm chi phí và tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Trong đó các câu chuyện thành công từ các doanh nghiệp lớn như DHL và UPS, minh chứng cho hiệu quả của việc áp dụng AI trong việc cải thiện quy trình vận hành và dịch vụ khách hàng.
Phần cuối cùng của báo cáo là những khuyến nghị cho các doanh nghiệp logistics. Báo cáo đề xuất các giải pháp để vượt qua thách thức về tài chính, nhân sự và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu chất lượng cao và đảm bảo an ninh mạng. Báo cáo cũng đưa ra lộ trình triển khai AI khả thi và tối ưu cho các doanh nghiệp logistics. Chi tiết được trình bày theo các nội dung phân tích sau đây.
Báo cáo Chuyển đổi số và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong ngành Logistics, gồm những nội dung sau:
- Tổng quan chuyển đổi số và xu hướng công nghệ Trí tuệ nhân tạo
- Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong ngành Logistics
- Khuyến nghị cho các doanh nghiệp Logistics