Những thách thức to lớn mà biến đổi khí hậu đang diễn ra đã dẫn tới yêu cầu cấp thiết về việc chuyển đổi sang một nền kinh tế thấp carbon và phát triển bền vững trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ước tính cần khoảng 6.9 nghìn tỷ USD hàng năm tới năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu về cơ sở hạ tầng bền vững toàn cầu, bao gồm năng lượng, giao thông, nước và quản lý chất thải. Các quốc gia đã và đang chung tay trong mục tiêu này thông qua COP (Conference of Parties) – Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó, COP26 2021 và COP27-2022 đã đánh dấu những bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tạo tiền đề cho các thoả thuận quan trọng tại COP28-2023.
COP26 tại Glasgow đã nhấn mạnh tới việc cắt giảm phát thải carbon, tăng cường hợp tác quốc tế và huy động nguồn tài chính cho biến đổi khí hậu. COP27 tại Ai Cập, với trọng tâm là “Thích ứng, Mất mát và Thiệt hại,” đã tập trung vào việc hỗ trợ tài chính cho các nước dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Trong khi đó, COP28 được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các cam kết và hành động cụ thể hơn nữa trong việc tài trợ cho chuyển đổi xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại COP28, tài chính xanh được ưu tiên vượt trội trong 4 trụ cột cam kết với số vốn cần huy động đầu tư lên tới 61,8 tỷ USD.
FPT Digital thực hiện báo cáo “Tài chính xanh: Chìa khóa cho ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” với phân tích chuyên sâu về những diễn biến và vai trò của tài chính xanh như một công cụ không thể thiếu trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu đã đề ra, đồng thời góp phần tích cực vào quá trình hình thành nền kinh tế toàn cầu phát triển bền vững
Báo cáo đề cập đến sự cần thiết của việc huy động nguồn lực tài chính để hỗ trợ các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời cũng cải cách cơ cấu tài chính quốc tế để hỗ trợ tốt hơn cho các hành động chống biến đổi khí hậu. Các quỹ tài chính xanh, trái phiếu xanh, và thị trường carbon được nhận diện là ba công cụ tài chính xanh chính, đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn đầu tư cho các dự án liên quan đến môi trường và khí hậu.
Nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình và tiềm năng của tài chính xanh, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các dự án liên quan đến môi trường và khí hậu, báo cáo của FPT Digital gồm những nội dung sau.
Báo cáo Tài chính xanh, chìa khóa cho ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, gồm những nội dung sau:
- Bối cảnh thúc đẩy tài chính xanh, trụ cột chống biến đổi khí hậu
- Tác động của tài chính xanh tới kinh tế toàn cầu
- Thực tế triển khai tài chính xanh trên thế giới và Việt Nam