Theo báo cáo của Vinasa, 92% các doanh nghiệp Việt có nhu cầu chuyển đổi số, tuy nhiên 90% trong số này chưa có hiểu biết về chuyển đổi số và 72% chưa biết bắt đầu từ đâu. Vậy cụ thể nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam về chuyển đổi số dưới các góc độ, hay các yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hiện nay là gì? Hãy cùng FPT Digital tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Nhu cầu chuyển đổi số theo các khía cạnh nghiệp vụ của doanh nghiệp
Có thể thấy, chuyển đổi số đang len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống hiện nay và trong 10 năm tới, “cuộc sống số sẽ song hành cùng với cuộc sống thực tại của mỗi người” – Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT chia sẻ.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc đua này, hơn 92% các doanh nghiệp hiện nay đã có sự quan tâm hoặc áp dụng chuyển đổi số ở một mức độ nhất định (1). Dựa theo các khía cạnh nghiệp vụ của doanh nghiệp, 5 nhóm nhu cầu được xác định cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại như phân tích dưới đây:
Nhu cầu chuyển đổi số quản trị và tự động hóa quy trình: Quản trị và tự động hoá là 2 nghiệp vụ được các doanh nghiệp quan tâm và lựa chọn nhiều nhất với 45.5% tổng số các công ty. Tự động hóa quy trình là một bước tiến công nghệ hoàn toàn mới, giúp doanh nghiệp tháo gỡ toàn bộ vướng mắc thường gặp trong quá trình triển khai quy trình trên giấy ra hành động.
Nhu cầu chuyển đổi số trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh: được nhiều doanh nghiệp bình chọn là đem lại nhiều lợi nhuận nhất. 67% người tiêu dùng cho rằng họ truy cập nhiều nền tảng khác nhau trước khi đưa ra quyết định mua hàng(2). Ngoài ra, 75% người dùng mong muốn được trải nghiệm mua bán đa kênh (3).
Nhu cầu chuyển đổi số toàn diện, tích hợp hệ thống: Các sáng kiến số được tích hợp vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp giúp tìm ra các phương thức kinh doanh mới, đáp ứng sự phát triển không ngừng của thị trường. Hiện nay, có đến 90% doanh nghiệp đang cố gắng triển khai các giải pháp công nghệ thông tin tích hợp vào hệ thống sẵn có cho mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Nhu cầu chuyển đổi số môi trường làm việc: Những đợt phong tỏa do ảnh hưởng của Covid-19 đã mở ra các mô hình làm việc từ xa mới và xu hướng này vẫn được tiếp tục áp dụng bởi sự linh hoạt và hiệu quả của nó. Cụ thể hơn, môi trường làm việc số thành công dựa nhiều trên sức mạnh của dữ liệu để đưa ra các quyết định kinh doanh, hiệu quả về chi phí và không bị hạn chế bởi khoảng cách vật lý.
Nhu cầu chuyển đổi số chuỗi cung ứng: Đại dịch Covid-19 đang thay đổi hoàn toàn nền kinh tế và làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyển đổi chuỗi cung ứng được hiểu là sự đổi mới trong công nghệ và số hóa chuỗi cung ứng. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể phản hồi kịp thời và hiệu quả hơn trước bất kỳ rủi ro tiềm tàng làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
2. Nhu cầu chuyển đổi số theo quy mô doanh nghiệp
Nhu cầu chuyển đổi số cũng trở nên khác biệt giữa các doanh nghiệp có đặc thù khác nhau. Các nhóm doanh nghiệp điển hình như doanh nghiệp mới chuyển đổi số, đang tăng tốc phát triển chuyển đổi số hay doanh nghiệp có yếu tố xuất khẩu.
2.1. Doanh nghiệp mới chuyển đổi số
Các doanh nghiệp này đang ở giai đoạn đầu trong quá trình chuyển đổi số nên phần lớn những mối quan tâm đều hướng về các giải pháp nghiệp vụ chi tiết. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc này cũng thay đổi cách thức vận hành của nền kinh tế và gây ra tác động tới nhu cầu của các doanh nghiệp.
Điều này dễ dàng nhận thấy khi các đơn vị đang bắt đầu quá trình chuyển đổi số đang thể hiện sự quan tâm cao với các giải pháp tiếp thị trực tuyến (57%) và làm việc nội bộ (53.7%). Các mối quan tâm giải pháp tiếp theo là Giao dịch điện tử, Hạ tầng mạng & dữ liệu, Quản lý nhân sự & lương, Kế toán, với tỷ lệ lựa chọn là 43.4%, 39.6%, 35.8%, 27.8% tương ứng.
2.2. Doanh nghiệp đang tăng tốc phát triển chuyển đổi số
Các doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt và mong muốn chuyển đổi số để tăng tốc thì lại có những nhu cầu về giải pháp khác. Quan tâm của nhóm này bao gồm những giải pháp mang tính chất tổng thể doanh nghiệp cao hơn.
Chi tiết hơn, các giải pháp liên quan đến quản lý doanh nghiệp được quan tâm bao gồm phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh (BI, big data, vv…) với 63.5% và các giải pháp hoạch định, quản lý (ERP – 57.8%, CRM, Omni sale channel – 60.7%, vv…). Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp này cũng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến an toàn công nghệ thông tin với hơn 50% số lượng doanh nghiệp chọn lựa.
2.3. Doanh nghiệp có xu hướng xuất khẩu
Doanh nghiệp xuất khẩu có những đặc thù riêng so với 2 nhóm doanh nghiệp nêu trên khi họ chú trọng vào các giao dịch đa quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nhu cầu của nhóm doanh nghiệp này cho chuyển đổi số cũng chuyên biệt hơn.
Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đình trệ, việc vận chuyển hay thanh toán đang gặp nhiều khó khăn. Chuyển đổi số xuất hiện như một giải pháp cứu cánh cho các công ty xuất khẩu trong giai đoạn này và trở thành con đường phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Cụ thể, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử (E-commerce) của nước ngoài đang được quan tâm lớn nhất (43.9%), ngay sau đó là giải pháp quản lý vận chuyển, kho bãi và logistic đa quốc gia (42.3%); cuối cùng là giải pháp thanh toán xuyên biên giới (35.5%)
3. Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp đang được đáp ứng mạnh mẽ
“Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” – là những cụm từ được sử dụng hiện nay để diễn tả về cơ hội chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam. Các đơn vị này nhận được sự hỗ trợ kịp thời và liên tục từ nhiều các phía khác nhau. Bao gồm:
Hỗ trợ từ phía nhà nước: Các chỉ số về chính phủ điện tử của Việt Nam cao hơn mức trung bình thế giới và khu vực khi đi tiên phong trong việc ban hành các chương trình và chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Đến tháng 4/2022, đã có hơn 16.000 đơn vị và tổ chức vừa và nhỏ tham gia vào chương trình hỗ trợ CĐS quốc gia; và đặt mục tiêu sẽ có 30.000 doanh nghiệp được hỗ trợ trong năm 2022.
Hỗ trợ từ sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số: Việc ứng dụng nền tảng kỹ thuật số là xu thế tất yếu hiện nay nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh và tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp.
Với các công nghệ hiện đại như ngày nay như AI,… hay các xu hướng mới nổi như Metaverse, NFT…, doanh nghiệp không chỉ dễ dàng chinh phục được các khó khăn hiện tại mà còn có thể tối ưu chi phí và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Sự hỗ trợ của các dịch vụ tư vấn chiến lược chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp: 92% các doanh nghiệp Việt đã quan tâm và triển khai chuyển đổi số, tuy nhiên 90% trong số này chưa có hiểu biết về chuyển đổi số và 72% chưa biết bắt đầu từ đâu (4).
Do đó, việc được hỗ trợ bởi các đơn vị tư vấn chiến lược chuyển đổi số là rất quan trọng. Các doanh nghiệp hiện nay đã có rất nhiều các lựa chọn cho đối tác chuyển đổi số của mình với nghiệp vụ và chuyên môn đã được tăng cường nâng cao đáp ứng được nhu cầu đề ra, ví dụ như FPT Digital.
FPT Digital đem tới cho doanh nghiệp lộ trình chuyển đổi số hiệu quả – nhà tư vấn chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin và các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số, vui lòng liên hệ đến FPT Digital
Bài viết đã phân tích nhu cầu về chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau. Qua đó, doanh nghiệp có thể có góc nhìn đầy đủ và chính xác hơn về nhu cầu chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam và đưa ra được chiến lược phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của mình.
Nguồn tham khảo:
(1) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 2021
(2) Zendesk. 2021 Khảo sát toàn cầu về thương mại điện tử
(3) Harvard Business Review. 2021 Nghiên cứu về bán hàng đa kênh
(4) Vinasa. 2020 Ngày chuyển đổi số Việt Nam