Các ngân hàng bán lẻ có thể mở rộng và lớn mạnh theo những cách chưa từng có do sự tiến bộ và đa dạng của việc khai thác giá trị dữ liệu mang lại.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital: “Các ngân hàng bán lẻ có cơ hội tăng trưởng vượt trội từ việc khai thác các giá trị của dữ liệu. Tuy nhiên, để có thể khai phá tiềm năng mới này, trước tiên các ngân hàng bán lẻ cần trả lời một câu hỏi cơ bản: Ngân hàng muốn trở thành như thế nào trong tương lai?”.
4 xu hướng định hình tương lai ngân hàng bán lẻ
Có 4 xu hướng chính ngân hàng bán lẻ có thể định hình trong tương lai không xa, đó là: ngân hàng số lấy khách hàng làm trung tâm; ngân hàng trở thành nhà cung cấp nền tảng; ngân hàng bán lẻ cung cấp những sản phẩm chuyên biệt và ngân hàng trở thành nhà cung cấp các tiện ích.”
1. Ngân hàng số lấy khách hàng làm trung tâm
Trọng tâm của ngân hàng bán lẻ là trực tiếp cung cấp những sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng, phát triển theo cách thu hút người dùng thông qua những trải nghiệm độc đáo mà ngân hàng đem lại. Nhưng những sản phẩm dịch vụ thông dụng như tiền gửi, thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng, v.v hầu hết mọi ngân hàng đều có. Khi đó dựa trên dữ liệu, ngân hàng sẽ xác định được nhu cầu thực sự của từng tập khách hàng để cung cấp được trải nghiệm cá nhân hóa tới tập khách hàng đó và mang lại hiệu quả tối ưu trong kinh doanh.
2. Ngân hàng trở thành nhà cung cấp nền tảng
Trọng tâm của dịch vụ ngân hàng bán lẻ là kết nối các nhà cung cấp khác nhau, nên khi ngân hàng chọn xu hướng này là nhằm cung cấp nền tảng cho hệ sinh thái mở rộng và dễ dàng truy cập hơn. Ví dụ: Khi công ty fintech không có chức năng giải ngân trực tiếp thì người tiêu dùng có thể được cấp tín dụng của cty fintech đó thông qua ngân hàng trung gian được cấp phép. Hoặc người tiêu dùng thanh toán các tiện ích như điện, nước, bảo hiểm, học phí, v.v thông qua ngân hàng trung gian được liên kết.
3. Ngân hàng bán lẻ cung cấp những sản phẩm chuyên biệt
Ngân hàng bán lẻ cần tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào khai thác dữ liệu và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường. Dựa vào trung tâm dữ liệu, ngân hàng sẽ có khả năng nhanh chóng tạo ra các sản phẩm chuyên biệt mới để đáp ứng những nhu cầu có tính đặc thù, giúp tạo ra nguồn doanh thu mới đồng thời nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường.
4. Ngân hàng trở thành nhà cung cấp các tiện ích
Ngân hàng tập trung vào khả năng cung cấp trên các thị trường ngách trong hệ sinh thái. Khi định vị năng lực như vậy tức là ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ được gắn nhãn trắng (có thể không hiển thị thương hiệu trên sản phẩm cuối cùng) cho cơ sở hạ tầng ngân hàng lõi như: Thanh toán, xử lý, thanh toán bù trừ, v.v.
Ông Minh phân tích thêm : “4 xu hướng chính sẽ dịch chuyển mô hình kinh doanh của ngân hàng bán lẻ từ mô hình kinh doanh truyền thống (nguyên khối, chậm thay đổi, chỉ cung cấp sản phẩm của tổ chức mình) sang mô hình kinh doanh hệ sinh thái ngân hàng bán lẻ. Khi đó, hệ sinh thái ngân hàng sẽ có những liên tương tác và khả năng đảm bảo các dịch vụ phục vụ khách hàng được liền mạch giữa các sản phẩm, dịch vụ khác nhau.”
Khi dịch chuyển sang mô hình kinh doanh hệ sinh thái ngân hàng sẽ dẫn đến những thay đổi lớn: từ cung cấp sản phẩm dịch vụ độc lập chuyển sang khai thác sức mạnh của những nền tảng sản phẩm mở, từ đóng vai trò chỉ cung cấp những sản phẩm do mình tạo ra sang có thể tích hợp, bán chéo với những nhà cung cấp khác như ngân hàng khác, công ty fintech, v.v và từ quản lý một số đối tác có quan hệ mật thiết sang quản lý chuỗi cung ứng nhằm tìm ra những cơ hội khách hàng mới do hệ sinh thái mang đến.
Khung chiến lược dữ liệu nhằm tối đa hóa giá trị mang lại
4 xu hướng chính định hình tương lai ngân hàng bán lẻ nói trên cần có sự liên kết với chiến lược dữ liệu nhằm tối đa hóa giá trị dữ liệu mang lại nhằm đạt được tầm nhìn tương lai. Do đó quyết định hướng đi và các công cụ cần thiết để đạt được là câu trả lời về tương lai của mỗi ngân hàng.
1. Chiến lược dữ liệu giúp thành ngân hàng số lấy khách hàng làm trung tâm
Ngân hàng khai thác dữ liệu nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh nên chiến lược đầu tư dữ liệu sẽ xoay quanh việc tạo ra và bảo vệ thương hiệu số, cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng, quản lý giá trị mang lại cho khách hàng và bảo mật dữ liệu. Điển hình những ngân hàng bán lẻ trên thế giới thành công trong đồng bộ liên kết với chiến lược dữ liệu như: Monzo Bank Ltd đến từ Vương quốc Anh, ngân hàng TD Bank đến từ Canada,…
2. Chiến lược dữ liệu giúp ngân hàng thành nhà cung cấp nền tảng
Đầu tư dữ liệu của ngân hàng sẽ dựa trên những cổng giao tiếp APIs (cho phép kết nối với các ứng dụng, phần mềm khác), hướng đến việc cung cấp cách thức tiếp cận dựa trên nền tảng chung nhằm tập hợp lại những sản phẩm từ những ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên cần có chính sách ngân hàng mở hoặc chính sách tương đồng để giúp cho định hướng này được hình thành.
3. Chiến lược dữ liệu giúp ngân hàng bán lẻ định vị thành chuyên biệt sản phẩm
Cũng đầu tư dữ liệu dựa trên APIs (có khả năng tích hợp vào quy trình của những tổ chức khác như ngân hàng khác, công ty fintech,…) nhưng hướng tới nghiên cứu thị trường để nhận ra giá trị và hiệu quả xử lý của sản phẩm. Không gian thị trường này là lý tưởng cho các thương hiệu ngân hàng mạnh.
4. Chiến lược dữ liệu giúp ngân hàng thành nhà cung cấp các tiện ích
Đầu tư dữ liệu của ngân hàng sẽ dựa trên hiệu quả quy trình, tự động hóa, mức chi phí và các cấp độ dịch vụ. Đây không phải là việc cá nhân hóa và tiếp thị sản phẩm, mà thay vào đó là hạ tầng back-end liền mạch và tốc độ nhanh mới là chìa khóa. Ngân hàng Clear Bank từ Anh, Fidor bank từ Đức và BNY Mellon từ Mỹ hiện đang cung cấp những dịch vụ ở thị trường này.
Mức 1: Xây dựng chiến lược dữ liệu cần có sự liên thông đồng bộ với chiến lược kinh doanh ví dụ đưa ra chiến lược dữ liệu giúp thành ngân hàng số lấy khách hàng làm trung tâm.
Mức 2: Quản trị dữ liệu đóng vai trò đưa ra cách quản lý con người, quy trình, chính sách nội bộ và văn hóa xung quanh dữ liệu.
Mức 3: Tận dụng và quản lý dữ liệu để có lợi thế chiến lược. Ví dụ hệ thống phân tích dữ liệu lớn giúp quản trị rủi ro bằng cách dựa trên phân tích về các hành vi của người sử dụng trong thời gian thực để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.
Mức 4: Điều phối và tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau nhằm khai thác tối đa giá trị. Với mạng lưới hệ sinh thái được hình thành, ngân hàng có thể tích hợp các nguồn dữ liệu của công ty fintech để đưa trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng với những sản phẩm phù hợp.
Mức 5: Quản lý và kiểm kê nguồn dữ liệu nhằm tối đa hóa giá trị mang lại đồng thời phù hợp với quy định pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số FPT Digital kết luận: “Ngân hàng bán lẻ mong muốn định hình tương lai và biến tầm nhìn thành hiện thực dựa trên giá trị của chiến lược dữ liệu có thể tiến hành qua các bước. Đó là từ bước định vị tầm nhìn theo xu hướng gắn với lợi thế cạnh tranh, đến xây dựng chiến lược dữ liệu tạo giá trị có sự liên kết với tầm nhìn và bước tiếp theo là áp dụng sáng tạo khung chiến lược dữ liệu nhằm đưa ngân hàng phát triển đúng pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng tổng lực sức mạnh nội lực và sức mạnh mạng lưới của hệ sinh thái.”
Nguồn: Viettimes