Vai trò của AI trong tối ưu hóa hoạt động hậu cần (logistics) ngành bán lẻ - FPT Digital
Vai trò của AI trong tối ưu hóa hoạt động hậu cần (logistics) ngành bán lẻ
Artificial Intelligence

Vai trò của AI trong tối ưu hóa hoạt động hậu cần (logistics) ngành bán lẻ

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của nhiều ngành công nghiệp. Với ngành bán lẻ, việc ứng dụng AI trong công tác hậu cần (logistics) đang tạo ra một cuộc cách mạng, mang lại nhiều lợi ích vượt trội.

1. Thách thức logistics trong ngành bán lẻ

Tại Việt Nam, ngành bán lẻ đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và sự phổ biến của internet, với doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%)(1).

Tuy nhiên, hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiệnchưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng vượt bậc này. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan tới vấn đề dự đoán nhu cầu khách hàng, quản lý hàng tồn kho hiệu quả, và tối ưu hóa lộ trình vận chuyển.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện các trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa theo kịp nhu cầu phát triển, làm gia tăng chi phí thương mại. Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường, chi phí vận tải tăng cao, và yêu cầu về tốc độ giao hàng nhanh chóng càng làm cho việc quản lý logistics trở nên phức tạp. Những yếu tố này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc tối ưu hóa hoạt động logistics để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh.

Từ việc quản lý hàng tồn kho, giao hàng đến khách hàng và tối ưu hóa hệ thống vận chuyển, mọi hoạt động đều cần phải được thực hiện một cách chính xác và hiệu quả để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng và tối ưu hóa lợi nhuận.

2. Các ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics của doanh nghiệp bán lẻ

Đứng trước những thách thức này, việc ứng AI vào hoạt động hậu cần (logistics), đặc biệt là trong Quản lý kho hàngQuản lý vận tải đang trở thành xu hướng thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các ông lớn ngành bán lẻ.

2.1. Quản lý kho hàng

Nâng cao hiệu quả xuất, nhập kho: Các quy trình nhập kho và xuất kho được cải tiến đáng kể với sự can thiệp của AI và IoT. Cameracảm biến thông minh không chỉ quét mã vạch sản phẩm mà còn sử dụng AI để nhận diện và phân loại hàng hóa. Các hệ thống này có thể phân tích hình ảnh và so sánh với cơ sở dữ liệu để xác định sản phẩm và vị trí lưu trữ tối ưu. Khi sản phẩm được quét, dữ liệu ngay lập tức được cập nhật vào hệ thống quản lý kho (WMS) mà không cần sự can thiệp của con người.Robot tự hành (AGV)cánh tay robot thông minh, được điều khiển bởi các thuật toán AI, đảm nhiệm các công việc di chuyển, sắp xếp và bốc dỡ hàng hóa, từ đó giảm thiểu sai sót và tăng tốc độ xử lý hàng hóa.

Quản lý hàng tồn kho thông minh: Trong việc quản lý hàng tồn kho, AI đóng vai trò quan trọng giúp giám sát điều chỉnh lượng hàng một cách chính xác. Dựa trên dữ liệu về lượng tồn kho, tình trạng của từng sản phẩm từ các cảm biến được cài đặt khắp kho hàng, thuật toán phân tích để đưa ra dự đoán về thời điểm cần bổ sung hàng tồn kho. Không chỉ đơn giản là theo dõi số lượng, AI còn có khả năng học hỏi từ các dữ liệu bán hàng trước đây, xu hướng tiêu thụ và các sự kiện đặc biệt để dự đoán nhu cầu trong tương lai.

Tối ưu hóa sắp xếp kho hàng: AI giúp nhà bán lẻ phân tích dữ liệu về tần suất sử dụng, kích thước và trọng lượng của từng sản phẩm để tối ưu hóa cách sắp xếp hàng hóa trong kho. Từ đó, hệ thống đề xuất các vị trí lưu trữ tốt nhất để giảm thiểu thời gian di chuyển và tăng hiệu quả lấy hàng. Nhờ sự sắp xếp khoa học, không gian lưu trữ được tận dụng tối đa và khoảng cách di chuyển trong quá trình lấy hàng được giảm thiểu.

Các ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics của doanh nghiệp bán lẻ.
Hình 01: Các ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics của doanh nghiệp bán lẻ.

2.2. Quản lý vận tải

Tối ưu hóa lộ trình: Một trong những ứng dụng nổi bật của AI trong quản lý vận tải là tối ưu hóa lộ trình vận chuyển. AI có khả năng phân tích và dự đoán lưu lượng giao thông, điều kiện đường xá và thời tiết, từ đó đưa ra những lộ trình vận chuyển tối ưu nhất. Kết quả là thời gian di chuyển được giảm thiểu, chi phí nhiên liệu được tiết kiệm đáng kể và khả năng giao hàng đúng hẹn được cải thiện.

Điều này đặc biệt quan trọng trong ngành bán lẻ, nơi mà sự nhanh chóng và chính xác trong giao hàng có thể tạo ra sự khác biệt lớn về trải nghiệm khách hàng và hiệu quả kinh doanh.

Theo dõi và giám sát vận chuyển: Các hệ thống AI trang bị cho nhà bán lẻ khả năng theo dõi và giám sát tình trạng vận chuyển hàng hóa theo thời gian thực, cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, tình trạng và thời gian giao hàng. Điều này giúp doanh nghiệp có thể xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh và cải thiện dịch vụ khách hàng.

Dự đoán và phòng ngừa sự cố: AI có thể phân tích dữ liệu lịch sử để dự đoán và phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển, như hỏng hóc phương tiện hoặc chậm trễ giao hàng. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động xử lý và giảm thiểu rủi ro. Báo cáo của DHL đã thể hiện, DHL sử dụng AI để dự đoán và ngăn ngừa các sự cố trong vận chuyển. Hệ thống này giúp DHL giảm thời gian ngừng hoạt động của phương tiện xuống 20%, tăng hiệu suất hoạt động và đảm bảo sự liên tục trong chuỗi cung ứng.

Tự động hóa quy trình vận chuyển: Các hệ thống AI có thể tự động hóa nhiều quy trình trong quản lý vận tải như lập kế hoạch lộ trình, điều phối phương tiện, và quản lý tài xế. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu sai sót do con người gây ra.

3. Một số doanh nghiệp bán lẻ đã ứng dụng thành công AI trong việc tối ưu hoạt động logistics

Các công ty lớn như Amazon, Walmart và Alibaba đã dẫn đầu trong việc áp dụng AI vào các quy trình logistics của mình, từ quản lý kho hàng đến vận chuyển và dịch vụ khách hàng.

3.1. Những bước tiến đột phá trong quản lý kho hàng tại Walmart:

Walmart đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ AI vào quản lý kho hàng, tạo nên những cải tiến vượt bậc trong quy trình vận hành. Cụ thể, ông lớn ngành bán lẻ Hoa Kỳ đã áp dụng hệ thống “tháp thông minh về tồn kho” thông qua các camera tiên tiến trên máy chà sàn để ghi lại và phân tích dữ liệu về mức tồn kho trên kệ hàng. Mỗi ngày, hệ thống này chụp hơn 20 triệu bức ảnh và gửi về trung tâm dữ liệu, nơi được các thuật toán AI phân tích với độ chính xác trên 95%(3).

Điều này giúp Walmart theo dõi tình trạng hàng hóa theo thời gian thực và đảm bảo kệ hàng luôn được bổ sung kịp thời.

Sam’s Club, một chi nhánh của Walmart, đã triển khai thành công công nghệ này, giảm thiểu lãng phí hàng hóa lên tới 15%tăng hiệu suất lao động của nhân viên kho lên 20%. Sự cải tiến này không chỉ giảm chi phí vận hành mà còn nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, đồng thời giúp Walmart dự đoán nhu cầu khách hàng chính xác hơn, điều chỉnh lượng hàng tồn kho phù hợp, đặc biệt trong các mùa cao điểm.

Tại Việt Nam, dù việc ứng dụng AI trong logistics còn ở giai đoạn đầu nhưng xu hướng này đang ngày càng phát triển. Các tên tuổi như Thế Giới Di Động, VinCommerce và Saigon Co.op đã bắt đầu triển khai các giải pháp AI để tối ưu hóa hoạt động logistics và chứng kiến những cải thiện đáng kể về hiệu suất, từ đó khuyến khích các doanh nghiệp khác cũng bắt đầu đầu tư vào công nghệ AI.

Ứng dụng AI trong tối ưu logistics
Hình 02: Ứng dụng AI trong tối ưu logistics

3.2. WinCommerce tiên phong ứng dụng AI tối ưu công tác hậu cần

WinCommerce, một thành viên của tập đoàn Masan, đã chứng minh vai trò tiên phong trong việc ứng dụng AI để tối ưu hóa logistics tại Việt Nam. Công ty này đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu bán hàng và dự đoán chính xác nhu cầu sản phẩm, đảm bảo tồn kho luôn ở mức tối ưu:

  • Dự báo nhu cầu và quản lý tồn kho: WinCommerce sử dụng AI để phân tích dữ liệu bán hàng, dự đoán chính xác nhu cầu sản phẩm, đảm bảo tồn kho luôn ở mức tối ưu. Kết quả là tỷ lệ hàng hóa có sẵn tại các cửa hàng WinMart đã tăng từ 65% lên 80%, giúp giảm thiểu tình trạng hết hàng và dư thừa.(4)
  • Tối ưu hóa lộ trình giao hàng: Công ty logistics Supra của Masan áp dụng AI để lập kế hoạch lộ trình giao hàng hiệu quả, giảm thiểu khoảng cách và thời gian giao hàng, từ đó giảm chi phí vận chuyển. Các thuật toán AI giúp tối ưu hóa lộ trình và thời gian giao hàng, tăng hiệu suất vận chuyển(5).
  • Quản lý kho hàng: AI tối ưu hóa không gian lưu trữ và tự động hóa quy trình lấy hàng, tăng hiệu suất kho lên 20%giảm chi phí logistics 13%. Hệ thống AI cũng giúp giám sát điều kiện bảo quản hàng hóa, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng(6).

Nhờ những ứng dụng tiên tiến này, WinCommerce không chỉ cải thiện hiệu quả vận hành mà còn tăng cường trải nghiệm mua sắm của khách hàng, hỗ trợ chiến lược mở rộng lên 5.000 điểm bán vào năm 2024.

Việc áp dụng AI trong quản lý logistics đang mang lại những kết quả ấn tượng cho các doanh nghiệp bán lẻ, từ giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa quy trình đến nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những câu chuyện thành công từ Walmart và WinCommerce là minh chứng rõ ràng cho thấy tiềm năng của AI trong việc cách mạng hóa ngành bán lẻ, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Như vậy, với sự phát triển không ngừng của AI, ngành bán lẻ có cơ sở hướng tới một tương lai, nơi logistics không chỉ là một hoạt động hỗ trợ, mà còn là một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể nhìn nhận AI như đòn bẩy giúp họ tối ưu hóa công tác kho – vận và tạo ra những trải nghiệm mua sắm đáng nhớ cho khách hàng.

Nguồn:

  1. Bộ công thương Việt nam. 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6%.
  2. Business Upturn. 2024. Walmart to offer AI-Powered route optimization tool to other businesses.
  3. Walmart
  4. RTS Labs.2024. The Future of Warehousing: How AI is Transforming Inventory Management and Order Fulfillment
  5. Tuổi Trẻ Online. 2024. Đưa AI vào logistics, WinCommerce quyết thay đổi ‘cuộc chơi’.
  6. Vietnam Biz. 2023. Sức mạnh logistics của WinCommerce.
  7. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. 2024. Phát triển thị trường bán lẻ trong nước: Thực trạng và một số giải pháp trong thời gian tới.
Nghiên cứu nổi bật
01. Giảm phát thải khí Mê-tan trong hoạt động sản xuất nông nghiệp 02. Bluetooth Beacon: Bước đột phá hoạt động tiếp thị cá nhân hóa trong ngành FMCG 03. Tiềm năng phát triển nền kinh tế Hydrogen xanh (Green Hydrogen)  04. Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành dược phẩm
Ms. Trương Minh Trang
Chuyên gia khối tư vấn Nghiệp vụ Doanh nghiệp tại FPT Digital.
15 năm kinh nghiệm phân tích nghiệp vụ kinh doanh và hoạt động tài chính trong các ngành Bán lẻ, Sản xuất, Thương mại, Hàng không. Là chuyên gia tư vấn với khả năng tổng hợp và phân tích chuyên sâu, tinh thông trong áp dụng phương pháp luận cùng sự đảm bảo về mức độ sâu sát đối với các dự án. Tận dụng hiểu biết sâu rộng về hoạt động doanh nghiệp cùng với đội ngũ chuyên gia công nghệ tìm ra các giải pháp số giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hoá hoạt động vận hành, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận