Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01) - FPT Digital
Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01)
Sustainable Transportation

Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01)

Phát triển bền vững nói chung và chuyển đổi xanh nói riêng đang là một xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế. Không nằm ngoài xu hướng này, các doanh nghiệp trong ngành vận tải hành khách cũng đang từng bước thực hiện việc chuyển đổi xanh nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, khách hàng theo xu thế chung của xã hội.  

Chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách là quá trình tích cực thay đổi và áp dụng các phương thức, công nghệ và chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu di chuyển của con người. Điều này không chỉ bao gồm việc giảm phát thải carbon và ô nhiễm không khí mà còn bao gồm bảo vệ đa dạng sinh họcgiảm tiêu thụ năng lượng hướng tới hệ thống vận tải hành khách toàn diện, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

1. Tại sao phải thực hiện Chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách

Vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng có một ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, xét trên góc độ ảnh hưởng tới môi trường, ngành vận tải đóng góp một tác động khá lớn do đặc điểm sử dụng năng lượng hóa thạch có phát thải các loại khí gây ô nhiễm. Do vậy, trong nỗ lực phát triển bền vững, các chính phủ đều hướng tới việc thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải thực hiện Chuyển đổi xanh nhằm đạt được các lợi ích và mục tiêu trung dài hạn bao gồm:

1.1. Giảm phát thải khí nhà kính

Ngành vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ảnh hưởng tới biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang các phương tiện và nhiên liệu thân thiện với môi trường có thể giảm đáng kể lượng khí thải này.

1.2. Cải thiện chất lượng không khí

Phương tiện vận tải hành khách chạy bằng nhiên liệu hóa thạch phát ra các chất ô nhiễm không khí như NOx, SOx, và các hạt mịn, gây hại cho sức khỏe con người. Chuyển đổi sang các phương tiện không phát thải hoặc phát thải thấp sẽ cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là ở các khu vực đô thị đông đúc.
Ngoài ra, các phương tiện xanh thường yên tĩnh hơn, giảm nguy cơ ô nhiễm tiếng ồn, từ đó cải thiện chất lượng sống trong các khu vực đô thị.

1.3. Tăng hiệu quả sử dụng năng lượng

  • Tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng: Phương tiện xanh thường hiệu quả hơn về mặt năng lượng so với các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, giúp giảm tiêu thụ năng lượng tổng thể.
  • Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo: Vận tải xanh thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo như điện từ năng lượng mặt trời hoặc gió, làm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

1.4. Giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch

Việc sử dụng nhiên liệu tái tạo và các nguồn năng lượng thay thế giúp giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác, từ đó giảm bớt rủi ro từ biến động giá nhiên liệu và tăng cường an ninh năng lượng. Ngoài ra, Chuyển đổi xanh cũng thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, giảm rủi ro do biến động giá nhiên liệu.

1.5. Thúc đẩy tăng trưởng các loại hình kinh tế mới

  • Tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển các hạng mục đầu tư công nghệ xanh: Đầu tư vào vận tải xanh tạo ra cơ hội kinh doanh mới và thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực như công nghệ xe điện, hệ thống thông minh, và dịch vụ di động; đi kèm với đó là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ như hạ tầng sạc, hệ thống giao thông thông minh và các giải pháp hỗ trợ vận tải bền vững khác.
  • Tạo việc làm: Phát triển cơ sở hạ tầng xanh và công nghệ mới tạo ra việc làm trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu và phát triển đến sản xuất và dịch vụ.

Bên cạnh các lợi ích vĩ mô có thể đạt được, các doanh nghiệp cũng trên đà bắt buộc thực hiện Chuyển đổi xanh theo yêu cầu từ các chính phủ nhằm cam kết phát triển bền vững và có trách nhiệm xã hội. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, kế hoạch này bao gồm các mục tiêu đầy tham vọng về việc giảm dần việc sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe cộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang năng lượng điện hoặc các hình thức năng lượng xanh khác.

Định hướng chính sách này đặt ra lộ trình rõ ràng cho quá trình chuyển đổi xanh nhưng cũng đặt ra những thách thức về việc thích ứng với các quy định và tiêu chuẩn mới. Đây có thể coi vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp vận tải trong kỷ nguyên 1.

Kế hoạch chuyển đổi giao thông đô thị của chính phủ giai đoạn 2022-2030:
Hình 01: Kế hoạch chuyển đổi giao thông đô thị của chính phủ giai đoạn 2022-2030
Bài đọc nhiều nhất
Sustainable Transportation 18/01/2025

2. Các thách thức mà ngành vận tải hành khách gặp phải khi thực hiện Chuyển đổi xanh

Xu thế chuyển đổi xanh đang trở nên phổ biến trong những năm gần đây, tuy nhiên do tính chất làm thay đổi hẳn mô hình vận hành sản xuất kinh doanh hiện hữu dẫn tới cần nhiều thời gian để các chính phủ và doanh nghiệp có thể thích ứng kịp thời. Do vậy, ở giai đoạn hiện tại các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh còn gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện liên quan đến một số yếu tố chính bao gồm:

2.1. Yếu tố chính trị

Ở giai đoạn hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện khung pháp lý và các hỗ trợ liên quan trong chuyển đổi xanh cho lĩnh vực vận tải, từ quy định về phát thải, tiêu chuẩn vận hành xem xét các ưu tiên trong từng lĩnh vực, các vấn đề về ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính… các hướng dẫn chưa rõ ràng và đầy đủ, có khả năng cao gây khó khăn cho hoạt động chuyển đổi của các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi xanh đã được một số doanh nghiệp vận tại hành khách đô thị tiên phong áp dụng tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Do đó, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ phía Chính phủ trong việc xây dựng thực thi khung pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực vận tải xanh.

2.2. Yếu tố môi trường

Xác định và đo lường chính xác tác động môi trường của việc chuyển đổi sang phương tiện xanh là một thách thức lớn. Hiện tại, các chính phủ và các tổ chức liên quan vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn đánh giá dẫn tới thiếu công cụ và tiêu chuẩn đánh giá chính xác có thể khiến việc lập kế hoạch và triển khai các hành động chuyển đổi xanh trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh còn đòi hỏi các doanh nghiệp vận tải chú ý đến việc quản lý chất thải và tái chế phương tiện cũ, pin xe điện và các chất thải khác một cách bền vững, tuân thủ các quy định môi trường về quản lý chất thải. Đồng thời, cần đưa ra các hành động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và các thách thức về nguồn cung cấp năng lượng tái tạo, đây vốn là các vấn đề mà các doanh nghiệp vận tải cần xử lý nhằm đảm bảo công cuộc chuyển đổi thành công.

Tại Việt Nam, nhiều khu đô thị hiện phải đối mặt với những thách thức về môi trường như ô nhiễm không khí từ xe máy chạy bằng xăng, đòi hỏi phải chuyển sang phương tiện ít phát thải hơn. Tuy nhiên, những thách thức trong việc giám sát lượng khí thải và đo lường tác động xanh trong bối cảnh chuyển đổi xanh của giao thông công cộng là rất nhiều mặt và phức tạp. Một trong những vấn đề chính là thiếu các công cụ chuyên biệt để đánh giá tác động chuyển đổi đối với khí hậu, đặc biệt đối với các nước đang phát triểnthị trường mới nổi (EMDC) như Việt Nam(1).

Các phương pháp hiện tại để đánh giá hiệu quả hoạt động khí hậu của các công ty thường bao gồm đánh giá định tính các hoạt động quản trị khí hậu và đánh giá định lượng các lộ trình phát thải. Các phương pháp này dựa trên các kịch bản phát thải carbon thấp được mô hình hóa và các tiêu chuẩn cụ thể theo ngành, có thể không phản ánh đầy đủ hoàn cảnh riêng của các khu vực khác nhau, đặc biệt là những khu vực có cường độ phát thải cao do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và chi phí vốn cao hơn.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo độ chính xác của dữ liệu khí thải của họ. Theo ước tính, tỷ lệ sai sót trung bình trong việc đo lường khí thải dao động từ 25% đến 30%. Thiếu dữ liệu khí thải chính xác và đầy đủ khiến các công ty gặp khó khăn trong việc thiết lập các mục tiêu phù hợp, xây dựng các sáng kiến hiệu quả và theo dõi kết quả(2). Các khảo sát cho thấy, chỉ có 14% công ty cho biết việc giảm lượng khí thải phù hợp với tham vọng của họ(3). Vì vậy, các yếu tố liên quan đến môi trường và thành quả khi chuyển đổi xanh trở nên thiếu thuyết phục, tạo nên nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông công cộng khi thực hiện chuyển đổi xanh.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo độ chính xác của dữ liệu khí thải
Hình 02: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo độ chính xác của dữ liệu khí thải

2.3. Yếu tố công nghệ

Tiếp tục liên quan đến yếu tố thời điểm triển khai chuyển đổi xanh mới đang ở giai đoạn bắt đầu, do vậy các công nghệ xanh vẫn đang trong quá trình phát triển, và việc áp dụng những công nghệ này trong quy mô lớn có thể gặp phải hạn chế về tính khả thi và hiệu quả. Đồng thời, quá trình vận hành công nghệ xanh cũng đòi hỏi việc đảm bảo độ bền tuổi thọ của pin, các yêu cầu quản lý vào bảo dưỡng công nghệ mới cũng như tích hợp vào hệ thống vận tải hiện hữu. Đây là các bài toán lớn đòi hỏi doanh nghiệp có sự đầu tư và khảo sát đánh giá nghiêm túc về hệ thống hiện có cũng như các công nghệ xanh phù hợp.

Tại Việt Nam, mức độ ứng dụng CNTT của các doanh nghiệp vận tải vẫn còn thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải đường bộ, chiếm đến 80% thị phần vận tải nội địa(4). Mới đây, chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi các phương tiện vận tải đường bộ sang các loại xe điện thân thiện với môi trường thông qua nhiều chính sách mới. Trong đó một trong những doanh nghiệp tiên phong là VinFast, đã góp phần vào việc sản xuất xe điện và xây dựng hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc, đặt tiêu chuẩn mới về hoạt động môi trường – xã hội – quản trị (ESG). Tuy nhiên, để đảm bảo đủ hạ tầng công nghệ cho một sân chơi lớn hơn vẫn là bài toán khó đang tìm lời giải.

2.4. Yếu tố Kinh tế

Việc thực hiện lộ trình giảm phát thải về 0 hay kinh tế tuần hoàn đang tạo nên áp lực cho tất cả DN về gánh nặng chi phí, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 được dự báo chưa thật sự hồi phục hoàn toàn và kinh tế các quốc gia cũng chưa thể tăng trưởng cao như trước đại dịch. Trong khi đó, việc chuyển đổi sang giao thông xanh thường đòi hỏi chi phí đầu tư lớn để mua sắm và triển khai các công nghệ và cơ sở hạ tầng mới. Bên cạnh đó, chi phí bảo trì và vận hành hệ thống giao thông xanh cũng là yếu tố cần được cân nhắc trong dài hạn.

Tại Việt Nam, đơn cử như đối với phương tiện buýt điện, hiện chưa có đơn giá định mức cho loại hình phương tiện này, chưa có các chính sách hỗ trợ về vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư buýt điện, mới chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện hoạt động tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và trên đảo Phú Quốc. Ngoài ra, các loại hình vận tải khác như phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định hay doanh nghiệp taxi, khó khăn chủ yếu cũng đến từ chi phí vốn đầu tư phương tiện ban đầu và hệ thống quản lý, vận hành kèm theo.

2.5. Yếu tố Cơ sở hạ tầng

Với các nền kinh tế phát triển, việc đảm bảo cơ sở hạ tầng (CSHT) phù hợp với chuyển đổi xanh sẽ gặp khó khăn nhiều hơn do hạ tầng đã phát triển nhưng mục tiêu thiết kế ban đầu không phục vụ giao thông xanh. Đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cơ hội tạo ra hạ tầng mới sẵn sàng cho giao thông xanh đồng bộ ngay từ đầu mang tính khả thi và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi còn đặt ra nhiều thách thức. Tại Việt Nam, các thành phố lớn đang thiếu hệ thống trạm sạc, bến xe hiện đại, ga tàu hỗ trợ phương tiện thân thiện môi trường. Việc đảm bảo đủ hệ thống trạm sạc cung ứng cho nhu cầu sử dụng, đồng thời tại một trạm sạc có đủ các loại hình nhiên liệu tương thích với các loại phương tiện giao thông khác nhau là một bài toán cần nghiên cứu, giải quyết.

Bên cạnh đó, các yếu tố hạ tầng khác như đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ, thiếu điểm đỗ các phương tiện xanh cũng là các bài toán cần tìm lời giải. Do đó, các dịch vụ xanh khó khả thi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các đơn vị liên quan.

>> Xem ngay: Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 02) tại đây

 

Reference:

  1. Transition Pathway Initiative –  How can climate assessment tools support investment in emerging markets – 2024
  2. BCG – Using technology helps companies measure and reduce emissions – 2022
  3. BCG – Why some companies are ahead in the race to net zero and reducing emission – 2023
  4. Báo Vietnamnet – Doanh nghiệp vận tải và logistics cần ứng dụng công nghệ để tăng sức cạnh tranh – 2021
  5. Báo Đại Đoàn Kết – Cần vượt qua 3 khó khăn, rào cản khi chuyển đổi phương tiện xanh sạch – 2023
  6. European Mobility Atlas 2023
  7. Thống kê của Xanh SM, 2023
  8. FPT Digital tổng hợp
Nghiên cứu nổi bật
01. Thực tế ảo là tương lai trong phương pháp đào tạo y học? 02. Trải nghiệm số nhân viên trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất 03. Chuyển đổi số y tế: Nắm bắt xu hướng và xây dựng giải pháp 04. Khu công nghiệp sinh thái: Định hướng đến bức tranh tương lai xanh và bền vững (Kỳ 02)
Ms. Trương Minh Trang
Chuyên gia khối tư vấn Nghiệp vụ Doanh nghiệp tại FPT Digital.
15 năm kinh nghiệm phân tích nghiệp vụ kinh doanh và hoạt động tài chính trong các ngành Bán lẻ, Sản xuất, Thương mại, Hàng không. Là chuyên gia tư vấn với khả năng tổng hợp và phân tích chuyên sâu, tinh thông trong áp dụng phương pháp luận cùng sự đảm bảo về mức độ sâu sát đối với các dự án. Tận dụng hiểu biết sâu rộng về hoạt động doanh nghiệp cùng với đội ngũ chuyên gia công nghệ tìm ra các giải pháp số giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hoá hoạt động vận hành, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận