Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 02) - FPT Digital
Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 02)
Sustainable Transportation

Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 02)

Ở kỳ trước, FPT Digital đã làm sáng tỏ tầm quan trọng và những thách thức của việc chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách. Để tiếp nối chủ đề, bài viết lần này sẽ tập trung vào các giải pháp và ví dụ điển hình về chuyển đổi xanh trong lĩnh vực đang được nhiều sự quan tâm của chính phủ này.

>>Đọc thêm: Xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách (Kỳ 01) tại đây

3. Cách thức thực hiện chuyển đổi xanh và các lưu ý cho ngành vận tải hành khách

Trong hành trình hướng tới một tương lai xanh, từ ngành công nghiệp sản xuất đến lĩnh vực vận tải, quá trình chuyển đổi không chỉ là một mục tiêu đơn lẻ mà là một chuỗi hoạt động liên tục, yêu cầu sự linh hoạt và thích ứng không ngừng. Điều này đòi hỏi sự xây dựng một kế hoạch chiến lược chuyển đổi xanh cụ thể và chi tiết, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu dài hạn và các bước thực hiện cụ thể, đồng thời phải đồng bộ với các chiến lược tổng thể khác của doanh nghiệp, với một cái nhìn rõ ràng về tính khả thi và hiệu quả.

Hành trình chuyển đổi xanh cần kết hợp nhiều yếu tố mới có thể thành công
Hình 01: Hành trình chuyển đổi xanh cần kết hợp nhiều yếu tố mới có thể thành công

Để chuyển đổi thành công, yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là sự chuẩn bị về nguồn lực. Về mặt tài chính, điều này bao gồm việc xác định nguồn vốn cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu và áp dụng các giải pháp xanh, cũng như việc mua sắm thiết bị và công nghệ mới. Một kế hoạch tài chính kỹ lưỡng là nền tảng để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra trơn tru. Về nhân sự, doanh nghiệp cần một đội ngũ có kiến thức chuyên môn và hiểu biết sâu sắc về các giải pháp bền vững.

Hơn nữa, việc chuyển đổi không chỉ liên quan đến các giải pháp kỹ thuật, mà còn bao gồm việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cả nhân viên và khách hàng, từ đó tạo ra một văn hóa bền vững toàn diện.

Cuối cùng, việc tăng cường hợp tác với các bên liên quan là chìa khóa cho sự thành công của quá trình này. Các đối tác có thể bao gồm những chuyên gia công nghệ, chiến lược, hoặc các tổ chức tư vấn có kinh nghiệm sâu rộng, những người sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn và hỗ trợ cần thiết để đảm bảo mục tiêu chuyển đổi được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững.

Để thực hiện chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có các chính sách, quy định khuyến khích, hỗ trợ phát triển vận tải xanh. Các chính sách, quy định này có thể bao gồm:

  • Quy định hạn chế hoặc cấm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu các phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch
  • Áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, phí, lệ phí đối với các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch
  • Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông xanh

Về phía doanh nghiệp vận tải, cần chủ động đầu tư, chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch. Các doanh nghiệp vận tải cũng cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong vận tải và tăng cường vận tải hành khách công cộng.

Về phía người dân, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vận tải xanh. Người dân cần sử dụng các phương tiện vận tải sử dụng năng lượng sạch, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, sử dụng vận tải hành khách công cộng khi có thể.

4.Một số ví dụ về áp dụng Chuyển đổi xanh trong ngành vận tải hành khách

4.1. Giao thông đô thị xanh tại Copenhagen

Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, được đánh giá là một hình mẫu quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đan Mạch trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và đối phó với những biến đổi khí hậu. Sự cam kết lâu dài và sâu sắc của thành phố trong việc theo đuổi một tương lai xanh đã tạo ra nhiều sáng kiến đột phá và có tầm ảnh hưởng lớn.

Mặt khác, Copenhagen tin rằng sự ủng hộ và niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng địa phương sẽ là yếu tố then chốt để có thể đạt được mục tiêu trở thành thủ đô trung hòa carbon đầu tiên vào năm 2025. Do đó, Copenhagen đã dành rất nhiều nỗ lực tiên phong nhằm hướng tới việc phát triển “Giao thông công cộng xanh” – Khẳng định rằng quá trình chuyển đổi xanh cần được đặt mầm giống tại tham vọng cải thiện chất lượng cuộc sống cho cư dân của mình.

Tại Copenhagen, giao thông đường bộ được xác định là nguyên nhân chính tạo ra phần lớn lượng khí thải carbon từ ngành giao thông công cộng, dẫn đến những vấn đề về ô nhiễm không khí và tiếng ồn, cũng như làm gây nên những tác động tiêu cực, nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe của người dân.

Để nhanh chóng khắc phục được tình trạng này, Hội đồng Thành phố đã chú trọng tăng cường khả năng di chuyển thông qua việc đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là mạng lưới xe buýt và xe đạp:

4.1.1. Hệ thống xe buýt không phát thải

Hệ thống xe buýt không phát thải tại Copenhagen
Hình 02: Hệ thống xe buýt không phát thải tại Copenhagen

Vào năm 2023, số lượng tuyến xe buýt điện tại Copenhagen đã đạt con số trên 20 trên tổng số 33 tuyến xe buýt và 357 xe buýt. Những chiếc xe được sản xuất bởi thương hiệu xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD với sự vượt trội từ công nghệ pin sắt LifePO4 (Lithium iron phosphate battery), hỗ trợ tối ưu hóa tuổi thọ pin, mang lại phạm vi lái xe dài hơn và hiệu suất an toàn. Tới năm 2025, thành phố đặt mục tiêu chuyển đổi 100% hệ thống xe buýt thành xe buýt không phát thải, nhằm giảm 17,000 tấn CO2 mỗi năm.

Với sự hợp tác của các đô thị lân cận và Movia – Cơ quan vận tải công cộng lớn nhất Đan Mạch, thành phố cùng lúc đó đã tạo ra các giải pháp mới trong dịch vụ vận tải hiệu quả, điển hình là:

  • Mạng lưới giao thông tích hợp: Hệ thống xe buýt bền vững của Copenhagen là một phần của mạng lưới giao thông đa phương thức lớn hơn bao gồm xe đạp, đường dành cho người đi bộ và tàu hỏa. Sự tích hợp cho phép di chuyển liền mạch trên các phương thức vận tải khác nhau, khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng thường xuyên hơn.
  • Điện khí hóa đội xe buýt: Phát triển các cơ sở hạ tầng, lắp đặt trạm sạc tại các bến xe buýt và các điểm trọng điểm dọc tuyến xe buýt.
  • Quy hoạch tuyến đường hiệu quả: Thiết kế đạt phạm vi phủ sóng tối đa và hiệu quả, đảm bảo khả năng phục vụ cả đô thị đông dân cư và khu vực ngoại ô khó tiếp cận, làm giảm nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel.
  • Sử dụng năng lượng tái tạo: Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời.
    ·

4.1.2. Chiến lược xe đạp 2011 – 2025

Trong hơn một thập kỷ qua, Copenhagen đã đầu tư hơn 200 triệu USD để phát triển mạng lưới với 397 km đường xe đạp và được sử dụng bởi 370.000 cư dân. Thành phố không ngừng đẩy mạnh các chiến dịch khi hợp tác cùng các tổ chức, doanh nghiệp địa phương, đồng thời phát triển cơ sở vật chất như cửa hàng mua sắm bằng xe đạp, khu đỗ xe riêng cho xe đạp,… nhằm khích lệ người dân lựa chọn xe đạp như phương tiện di chuyển hàng ngày, giúp giảm 92% lượng khí thải CO2, tương ứng với 1,500 tấn CO2 mỗi năm.

Chiến lược xây dựng hệ thống xe đạp tại Copenhagen từ 2011 – 2025
Hình 03: Chiến lược xây dựng hệ thống xe đạp tại Copenhagen từ 2011 – 2025

Theo nguồn báo cáo của State of Green – Quan hệ đối tác công tư bao gồm chính phủ Đan Mạch, Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch và Hiệp hội Năng lượng Đan Mạch, việc di chuyển bằng xe đạp trong thành phố hàng năm đảm bảo tiết kiệm chi phí y tế tới 230 triệu Euro. Điều này có thể hiểu rằng với mỗi km được thực hiện bằng xe đạp sẽ khiến thành phố kiếm được 0,60 Euro.

4.1.3. Chiến lược tàu điện ngầm 2023-2026

Copenhagen Metro lựa chọn 04 lĩnh vực trọng tâm (Khách hàng – Dấu chân khí hậu – Vai trò của khách hàng – An toàn) là những nền tảng quan trọng nhất, đồng thời áp dụng những bài học thành công trên thế giới nhằm liên tục cải tiến và nâng cấp chất lượng hệ thống, đem lại hệ thống giao thông công cộng tân tiến và phổ biến với cộng đồng.

Tính tới nay, 60% người dân Copenhagen sử dụng phương thức đi bộ, đi xe đạp hoặc bằng phương tiện giao thông công cộng. Con số được kỳ vọng sẽ tăng lên 75% vào năm 2025(6), mang lại những lợi ích quan trọng, tích cực cho nền kinh tế cũng như sức khỏe đời sống thể chất và tinh thần của cộng đồng. Trước những nỗ lực bền bỉ, Copenhagen đã được đưa vào danh sách các thành viên của “Chỉ số sẵn sàng di chuyển đô thị, điểm số di chuyển bền vững và phương tiện công cộng 2023” cũng như lọt top 5 về chỉ số phụ về tính bền vững giao thông công cộng .

4.2. Nền móng chuyển đổi mô hình vận tải sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam – Xanh SM

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự gia tăng nhận thức về vấn đề môi trường, ngành công nghiệp vận tải, đặc biệt là dịch vụ taxi, đang chứng kiến những thay đổi đáng kể. Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với đô thị hóa mạnh mẽ, không nằm ngoài xu hướng này. Taxi XanhSM (GSM) tại Việt Nam đã tiên phong trong việc áp dụng phương tiện vận tải năng lượng sạch, mở ra một chương mới trong ngành công nghiệp vận tải bền vững tại quốc gia này.

Sứ mệnh của công ty không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ taxi truyền thống mà còn hướng tới việc thúc đẩy một tương lai xanh và thay đổi nhận thức khách hàng cho ngành công nghiệp vận tải. Với tầm nhìn này, Taxi Xanh SM đã chú trọng vào việc đầu tư và triển khai các phương tiện năng lượng sạch nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng cường hiệu quả năng lượng.

Bằng cách này, Taxi Xanh SM không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao tại Việt Nam mà còn góp phần vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí – hai vấn đề đang trở nên cấp bách tại nhiều đô thị lớn trên thế giới. Sự chuyển đổi này không chỉ là một bước tiến về mặt kỹ thuật mà còn phản ánh một thay đổi lớn trong tư duy kinh doanh, đặt trách nhiệm xã hội và môi trường lên hàng đầu

Thông qua khoảng thời gian đưa ra thị trường, Xanh SM đã thay đổi nhận thức và tư duy của cả người sử dụng và người cung cấp các dịch vụ vận tải về sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường. Những điểm này được ghi nhận thông qua những con số biết nói:

Xanh SM - Đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh trong lĩnh vực vận tải tại Việt Nam
Hình 04: Xanh SM – Đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh trong lĩnh vực vận tải tại Việt Nam
  • Đạt được 6 triệu chuyến xe sau 5 tháng ra mắt thị trường với nhiều phản hồi tích cực từ thị trường. App Xanh SM đã đạt hơn 1 triệu lượt tải xuống trên CH Play và đứng top 1 bảng xếp hạng du lịch trên App Store(7)
  • Xu hướng các hãng Taxi truyền thống tại Việt Nam thuê xe điện của Xanh SM hướng đến vận tải thân thiện với môi trường(8)
  • Trong năm 2023, Xanh SM đã khai trương dịch vụ xe taxi xanh tại một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á (Viêng Chăn, Cam Pu Chia…) và đặt mục tiêu duy trì xu hướng toàn cầu hoá của mình trong thời gian tới(9)

Để chuyển đổi xanh thành công, mỗi doanh nghiệp cần có một quyết tâm đủ lớn, tầm nhìn dài hạn, một chính sách đầu tư phù hợp và các mục tiêu từ ngắn hạn đến dài hạn kết hợp với các phương thức giám sát, đo lường các mục tiêu đó. Song song với đó, doanh nghiệp cũng cần hoạch định cho mình một kế hoạch chuyển đổi rõ ràng với một lộ trình phù hợp nhất để đạt được các dấu mốc ngắn hạn cũng như những tham vọng phía sau.

Nếu bản thân doanh nghiệp chưa có các nguồn lực phù hợp hoặc còn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì có thể tìm kiếm và kết hợp với các đối tác có nền tảng tư vấn mạnh mẽ, có kinh nghiệm thực tế nhằm tìm ra lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp, tối ưu được các nguồn lực sẵn có, xây dựng và mở rộng các năng lực mới trong tương lai.

 

Reference:
(1) Transition Pathway Initiative –  How can climate assessment tools support investment in emerging markets – 2024
(2) BCG – Using technology helps companies measure and reduce emissions – 2022
(3) BCG – Why some companies are ahead in the race to net zero and reducing emission – 2023
(4) Báo Vietnamnet – Doanh nghiệp vận tải và logistics cần ứng dụng công nghệ để tăng sức cạnh tranh – 2021
(5) Báo Đại Đoàn Kết – Cần vượt qua 3 khó khăn, rào cản khi chuyển đổi phương tiện xanh sạch – 2023
(7) European Mobility Atlas 2023
(8) Thống kê của Xanh SM, 2023
(9) FPT Digital tổng hợp

Nghiên cứu nổi bật
01. Tòa nhà thông minh: Cách công nghệ IoT tăng giá trị cho các công ty bất động sản 02. Chuyển đổi hệ thống CNTT sang điện toán đám mây: Thực hiện như thế nào cho đúng? 03. 3 nhóm ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp hiệu quả năm 2022 04. Chăm sóc sức khỏe: Cơ hội từ các mô hình “từ xa”
Ms. Trương Minh Trang
Chuyên gia khối tư vấn Nghiệp vụ Doanh nghiệp tại FPT Digital.
15 năm kinh nghiệm phân tích nghiệp vụ kinh doanh và hoạt động tài chính trong các ngành Bán lẻ, Sản xuất, Thương mại, Hàng không. Là chuyên gia tư vấn với khả năng tổng hợp và phân tích chuyên sâu, tinh thông trong áp dụng phương pháp luận cùng sự đảm bảo về mức độ sâu sát đối với các dự án. Tận dụng hiểu biết sâu rộng về hoạt động doanh nghiệp cùng với đội ngũ chuyên gia công nghệ tìm ra các giải pháp số giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hoá hoạt động vận hành, mang lại lợi ích kinh tế cao.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận