Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khái niệm giảm phát thải là gì và giảm phát thải nhà kính là gì đã trở thành những chủ đề nóng hổi và cấp bách trên toàn cầu. Giảm phát thải đề cập đến việc cắt giảm chất thải từ hoạt động của con người, trong khi giảm phát thải nhà kính tập trung vào khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2, CH4, N2O.
Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và giảm 43,5% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 với sự hỗ trợ quốc tế. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam gặp thách thức trong việc phát triển kinh tế carbon thấp, đạt chỉ tiêu tăng trưởng và trở thành quốc gia công nghiệp vào năm 2045 theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
1. Giảm phát thải là gì?
Giảm phát thải xuất phát từ Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu năm 1997. Đây là một hiệp định trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), được đàm phán để xây dựng những nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý để các nước đã phát triển giảm lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia mình. Từ đó, các hội nghị tiếp theo như COP26 đã tiếp tục thúc đẩy việc giảm phát thải và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (gọi tắt là Net Zero) vào năm 2050.(1)
Định nghĩa giảm phát thải là gì: Giảm phát thải một chiến lược toàn diện hướng đến sử dụng hiệu quả tài nguyên liên quan đến các biện pháp và chiến lược nhằm giảm lượng chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt hàng ngày. Giảm phát thải không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều này đòi hỏi thay đổi trong cách thức sản xuất, tiêu dùng và quản lý tài nguyên, hướng đến một tương lai bền vững hơn cho hành tinh và con người. Thông qua việc áp dụng các biện pháp và công nghệ tiên tiến, chúng ta có thể giảm thiểu lượng giảm phát thải, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các thế hệ tương lai.(2)(3)
2. Khí nhà kính là gì? Giảm phát thải khí nhà kính là gì ?
Định nghĩa phát thải khí nhà kính là gì: Khí nhà kính là thành phần khí của khí quyển, cả tự nhiên và nhân tạo. Khí nhà kính hấp thụ và phát ra bức xạ ở các bước sóng cụ thể trong phổ bức xạ hồng ngoại do bề mặt trái đất, bầu khí quyển và các đám mây phát ra. Khí nhà kính giữ nhiệt trong bầu khí quyển và làm trái đất nóng lên. Khi đó, dấu chân carbon là tổng lượng phát thải khí nhà kính do một cá nhân, sự kiện, tổ chức, dịch vụ, địa điểm, hoặc sản phẩm phát ra, được biểu thị bằng lượng carbon dioxide tương đương (CO2e).
Khí nhà kính, bao gồm cả khí chứa carbon, carbon dioxide và mêtan, có thể được thải ra thông qua việc đốt nhiên nhiên liệu hóa thạch, giải phóng mặt bằng, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, hàng hóa, vật liệu, gỗ, đường xá, công trình xây dựng, giao thông vận tải, và dịch vụ khác.(4)
Các loại khí nhà kính là gì, cụ thể bao gồm:
- Carbon dioxide (CO2): Phát ra chủ yếu từ đốt nhiên liệu hóa thạch, giải phóng mặt bằng và các quá trình công nghiệp.
- Methane (CH4): Thường xuất phát từ chăn nuôi, đất canh tác, và các quá trình khai thác dầu khí.
- Nitrous oxide (N2O): Liên quan đến sử dụng phân bón và quá trình nông nghiệp
- Hydrofluorocarbons (HFCs) và Perfluorocarbons (PFCs): Thường được sử dụng trong ngành công nghiệp và làm lạnh.
- Lưu huỳnh hexafluoride (SF6) và Nitơ trifluoride (NF3): Được sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp
- Và các khí khác (ví dụ, môi chất lạnh theo Nghị định thư Montreal hoặc khí y tế).
3. Vì sao phải giảm phát thải khí nhà kính? Tầm quan trọng của giảm phát thải với biến đổi khí hậu và cuộc sống con người
Giảm phát thải là cần thiết vì các lý do quan trọng sau
- Giảm Hậu Quả Tiêu Cực:
Biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt. Điều này gây thiệt hại lớn cho con người, tài sản và môi trường. Nhiệt độ tăng lên làm mất môi trường sống của nhiều loài động thực vật, dẫn đến tuyệt chủng và mất cân bằng sinh thái.
- Bảo vệ Sức khỏe Con người
Khí nhà kính thường đi kèm với các chất ô nhiễm không khí đặc biệt gây hại cho sức khỏe và làm gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp và giảm chất lượng thực phẩm
- Đảm bảo Phát triển Bền vững
Nhiều ngành kinh tế như nông nghiệp, du lịch, và năng lượng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Giảm phát thải giúp duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho các ngành này. Giảm phát thải khí nhà kính giúp ngăn ngừa di dân do thiên tai, giữ vững an ninh và ổn định xã hội.
Như vậy, giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ hành tinh và cuộc sống của con người hiện tại cũng như các thế hệ tương lai.
4. Thực trạng giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam:
Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (KNK) để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đã đạt được, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết.
4.1 Nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện giảm khí nhà kính tại Việt Nam:
Cam kết quốc tế: Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).
Chính sách và quy định:
Việt Nam đã đề ra Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2030, nước ta đặt mục tiêu tiêu thụ 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) năng lượng sơ cấp, và tăng lên 320-350 triệu TOE vào năm 2045. Về năng lượng tái tạo, tỷ trọng dự kiến sẽ chiếm 20-25% tổng năng lượng sơ cấp vào năm 2030 và tăng lên 60-65% vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã đặt ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng, với kế hoạch tiết kiệm 9% năng lượng so với kịch bản BAU (Kịch bản phát triển thông thường) vào năm 2030 và 20% vào năm 2045. Hệ thống điện thông minh, an toàn và hiệu quả cũng là một phần quan trọng của chiến lược, nhằm đảm bảo cung cấp điện đáng tin cậy. Đặc biệt, việc giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động năng lượng so với kịch bản BAU đạt 25% vào năm 2030 và 70% vào năm 2045.(6)
Các dự án giảm phát thải:
- Lĩnh vực năng lượng: tập trung giảm phát thải qua việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, đèn tiết kiệm điện, thiết bị đun nước nóng mặt trời, và nhiên liệu sạch hơn. Cung cấp năng lượng sẽ phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối, và công nghệ tua-bin khí hỗn hợp dùng LNG.
- Lĩnh vực nông nghiệp: các giải pháp bao gồm quản lý cây trồng tổng hợp, công nghệ tưới nước tiên tiến, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, và phát triển khí sinh học. Mục tiêu là giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030.(7)
- Lĩnh vực LULUCF: bảo vệ và phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng và phát triển mô hình nông lâm kết hợp để tăng trữ lượng các-bon.
- Lĩnh vực chất thải: áp dụng công nghệ tái chế, sản xuất phân compost, thu hồi khí mê-tan từ bãi chôn lấp, và tối ưu hóa xử lý nước thải.
- Lĩnh vực công nghiệp: chuyển đổi sử dụng phụ gia thay thế clinker, áp dụng công nghệ giảm phát thải N2O, và sử dụng môi chất lạnh thân thiện với khí hậu.
4.2 Kết quả quá trình giảm phát thải khí nhà kính
Nhờ các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng kể trong giai đoạn 2019-2020.(8)
- Đến cuối năm 2020, tổng công suất điện mặt trời đạt 16.700 MW, đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất thế giới.
- Về nông nghiệp, năm 2020, Việt Nam giảm được 1,5 triệu tấn CO2 từ các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.
- Trong lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% vào năm 2030, với kết quả giảm 11,1 triệu tấn CO2 vào năm 2020.
- Trong lĩnh vực xử lý chất thải, 71% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, 16% chế biến compost, và 13% đốt.
- Lĩnh vực công nghiệp giảm 4,06 triệu tấn CO2 vào năm 2020.
4.3 Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được áp dụng
Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực giảm phát thải KNK để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết quốc tế. Một số giải pháp cần được triển khai bao gồm:
- Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo: Tăng cường đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối…
- Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng: Áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
- Phát triển công nghiệp xanh: Ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giảm phát thải KNK trong các hoạt động công nghiệp.
- Phát triển nông nghiệp bền vững: Áp dụng các biện pháp giảm phát thải KNK trong sản xuất nông nghiệp.
- Bảo vệ và phát triển rừng: Tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng bền vững.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về biến đổi khí hậu và giảm phát thải KNK cho cộng đồng.
Reference:
- UNITED NATIONS CONFERENCE OF THE PARTIES SERVING AS THE MEETING OF THE PARTIES TO THE KYOTO PROTOCOL. (2006).
- Anh, P (2024). Nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero. Nhịp Sống Kinh Tế Việt Nam & Thế Giới.
- Contemporary Economic Issues in Asian Countries: Proceeding of CEIAC 2022, Volume 2. (2023)
- Greenhouse Gas Emissions Reporting. (2023, July). Uỷ Ban Chứng Khoán Nhà Nước.
- UNDP, CƠ HỘI VÀ ĐỘNG CƠ GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH LÂU DÀI TẠI VIỆT NAM. (n.d.).
- Minh. (2023, November 28). Chính sách năng lượng và giảm phát thải của Việt Nam. BỘ TÀI NGUYÊN và MÔI TRƯỜNG.
- Ly Khanh. (2022, November 16). Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Baotainguyenmoitruong.vn.
- Báo cáo kỹ thuật – Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 | Nghiên cứu và Ấn phẩm | Cục Biến đổi khí hậu. (2023, March 30).