CBAM là gì? Tìm hiểu cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU - FPT Digital
CBAM là gì? Tìm hiểu cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU
Reducing Carbon Emissions

CBAM là gì? Tìm hiểu cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon của EU

Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Liên minh Châu Âu (EU) đã triển khai Cơ chế Điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM) nhằm ngăn chặn rò rỉ carbon và thúc đẩy sản xuất xanh. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU, việc hiểu rõ CBAM là gì và tuân thủ CBAM là vô cùng quan trọng để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường này.

1. CBAM là gì?

CBAM (Carbon Border Adjustment Mechanism) là cơ chế áp thuế carbon lên hàng hóa nhập khẩu vào EU, với mục đích đảm bảo rằng hàng hóa sản xuất bên ngoài EU không được hưởng lợi từ việc phát thải cao hơn tiêu chuẩn của EU. Điều này đồng nghĩa với việc CBAM đặt các nhà sản xuất ngoài EU vào tình huống phải cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp EU, vốn đã chịu áp lực từ các quy định khí thải khắt khe trong nội khối.

Mục tiêu chính của CBAM là gì:

  • Ngăn chặn rò rỉ carbon: Nếu không có CBAM, các doanh nghiệp có thể chuyển dây chuyền sản xuất ra ngoài EU để tránh quy định khắt khe về phát thải. Cơ chế này ngăn chặn xu hướng đó bằng cách đánh thuế carbon đối với hàng nhập khẩu có phát thải cao.
  • Thúc đẩy giảm phát thải toàn cầu: CBAM khuyến khích các quốc gia ngoài EU áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững, do đó góp phần vào nỗ lực giảm phát thải trên toàn cầu.

CBAM được đề xuất chính thức vào tháng 7/2021 và bắt đầu áp dụng thử nghiệm vào năm 2023, với việc triển khai toàn diện dự kiến từ năm 2026. Theo kế hoạch, CBAM sẽ đóng góp trực tiếp vào mục tiêu giảm phát thải 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990 của EU(1)

2. CBAM EU – Nền tảng và phạm vi áp dụng

CBAM không áp dụng cho tất cả các mặt hàng mà chỉ giới hạn trong các lĩnh vực sản xuất có mức độ phát thải cao và có nguy cơ rò rỉ carbon lớn. Những ngành công nghiệp chính trong giai đoạn đầu bao gồm:

  • Xi măng
  • Thép và sắt
  • Nhôm
  • Phân bón
  • Điện và hydro

Việc lựa chọn các ngành này không phải ngẫu nhiên. Theo báo cáo từ Ủy ban Châu Âu, đây là những lĩnh vực đóng góp lớn nhất vào lượng khí thải nhà kính toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch nhập khẩu của EU.

Trong giai đoạn 2023-2025, CBAM sẽ hoạt động như một cơ chế báo cáo, tức là các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ cần cung cấp dữ liệu về lượng khí thải liên quan đến sản phẩm của họ, nhưng chưa phải mua chứng chỉ CBAM. Đến năm 2026, các doanh nghiệp chính thức phải trả phí carbon dựa trên lượng khí thải của hàng hóa nhập khẩu.(1)

Timeline áp dụng và biểu mẫu phí phải trả:

Lộ trình khai báo CBAM
Hình 01: Lộ trình khai báo CBAM

3. Cơ chế CBAM hoạt động như thế nào?

Cơ chế vận hành của CBAM
Hình 02: Cơ chế vận hành của CBAM

Cơ chế vận hành của CBAM là gì? CBAM vận hành dựa trên nguyên tắc cốt lõi là “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào EU sẽ cần:

  • Đăng ký và kê khai: Doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý quốc gia và kê khai lượng khí thải carbon liên quan đến hàng hóa nhập khẩu.
  • Mua chứng chỉ CBAM: Lượng chứng chỉ cần mua tương ứng với lượng phát thải của sản phẩm, tính theo giá carbon trên thị trường EU ETS (Hệ thống giao dịch phát thải của EU). Giá chứng chỉ này có thể dao động, phụ thuộc vào thị trường ETS.
  • Khấu trừ carbon đã thanh toán: Nếu doanh nghiệp đã nộp thuế carbon tại quốc gia xuất khẩu, họ có thể yêu cầu khấu trừ phần thuế đã trả, tránh tình trạng đánh thuế hai lần.

Việc định giá carbon được tính toán dựa trên giá trung bình hàng tuần của tín chỉ ETS, vốn dao động từ 60 đến 90 EUR/tấn CO2 vào năm 2023 (Reuters).(2)

4. Tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đến doanh nghiệp và nền kinh tế

CBAM không chỉ là cơ chế bảo vệ môi trường mà còn mang tính chất bảo hộ ngành công nghiệp của EU. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến một số hệ lụy đối với các doanh nghiệp ngoài EU, trong đó có Việt Nam.

Tác động của CBAM đến doanh nghiệp và nền kinh tế
Hình 03: Tác động của CBAM đến doanh nghiệp và nền kinh tế

Ngành thép

Thép là ngành chịu tác động lớn nhất từ CBAM, chiếm tới 30% tổng lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực công nghiệp nặng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,6 triệu tấn thép sang EU mỗi năm, với kim ngạch đạt gần 3 tỷ USD.(3)

Với CBAM, các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể chịu thêm khoản phí lên đến 100 triệu USD/năm nếu không giảm lượng phát thải(4)

Ngành nhôm

Ngành nhôm Việt Nam cũng chịu áp lực lớn, với mức phát thải trung bình khoảng 6-8 tấn CO2/tấn nhôm sản xuất.(5)

CBAM có thể làm tăng giá thành nhôm xuất khẩu thêm 5-7%, khiến doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường EU.(4)

Ngành xi măng

Mặc dù ngành xi măng có mức độ gây ô nhiễm về khí và bụi rất lớn, lượng hàng xuất khẩu sang EU không đáng kể. Do đó, tác động của CBAM đối với ngành xi măng Việt Nam được nhận định là không lớn. Tuy nhiên, việc giảm cường độ phát thải trong ngành xi măng sẽ làm tăng đáng kể mức giảm phát thải, có thể giảm từ khoảng 0,1 triệu tấn tới 7,4 triệu tấn CO₂ vào năm 2030.(5)

Ngành phân bón

Lượng phân bón xuất khẩu từ Việt Nam sang EU là rất thấp (3-12%), và việc áp dụng CBAM tại EU sẽ có tác động không đáng kể đến các chỉ số hoạt động kinh tế chính của ngành phân bón. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đến khả năng mở rộng phạm vi áp dụng của CBAM trong tương lai và chuẩn bị các biện pháp giảm phát thải phù hợp.(5)

Ngành điện và hydro

Hiện tại, Việt Nam không xuất khẩu điện và hydro sang EU, do đó CBAM chưa có tác động trực tiếp đến các ngành này. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng và xu hướng phát triển hydro xanh, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các quy định của EU để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

5. CBAM và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

Để ứng phó với quy định này của EU, Việt Nam nên lựa chọn giải pháp chấp nhận Cơ chế CBAM và tìm cách giảm thiểu tác động tích cực của cơ chế này. Các đề xuất để hạn chế tác động tiêu cực của CBAM là gì, bao gồm:

CBAM được xem là một phần mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của EU.
Hình 04: CBAM được xem là một phần mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của EU.

Đối với cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách:

Việt Nam cần có quy định chi tiết, cụ thể để hướng dẫn doanh nghiệp chủ động tiếp cận CBAM và lộ trình tiếp cận CBAM của Việt Nam.

  • Xây dựng cơ chế định giá carbon và thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam. Một cơ chế định giá carbon chính xác sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp xuất khẩu làm việc với người mua hàng tại EU và đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc đàm phán thương mại với EU liên quan đến CBAM. Đồng thời, một phần thuế mà các nhà xuất khẩu có thể phải nộp cho EU sẽ ở lại trong nước và có thể được dùng cho các hoạt động giảm lượng khí thải carbon của Việt Nam.
  • Chủ động đối thoại với EU để làm rõ các quy định về CBAM, các mặt hàng, lĩnh vực thuộc đối tượng áp dụng hoặc ưu đãi, miễn giảm.

Đối với doanh nghiệp:

  • Chủ động tìm hiểu và cập nhật thông tin về CBAM là gì để có sự chuẩn bị kịp thời.
  • Đánh giá và kiểm kê lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất để có biện pháp giảm thiểu phù hợp.
  • Xem xét đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm lượng phát thải carbon, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường EU.

 

CBAM là một cơ chế quan trọng trong chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu của EU, đồng thời đặt ra thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc hiểu rõ và tuân thủ CBAM không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì thị phần tại EU mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững.

 

Reference:

  1. European Commission. (2021). European Green Deal: Commission proposes new Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) to avoid carbon leakage
  2. Reuters. (2024). China sets low bar for firms in new carbon market expansion plan.
  3. Trung tâm WTO. (n.d.). Dự kiến ảnh hưởng của CBAM tới xuất khẩu Việt Nam.
  4. Tạp chí Tài chính. (n.d.). Thực thi CBAM: Tác động ra sao tới xuất khẩu của Việt Nam sang EU?
  5. VnEconomy. (n.d.). 4 ngành sẽ chịu tác động mạnh từ CBAM khi xuất khẩu vào EU
Nghiên cứu nổi bật
01. Các Doanh Nghiệp Cần Làm Gì Để Đảm Bảo An Toàn Thông Tin Trong Thời Đại Số? 02. Ứng dụng Công nghệ thông tin xanh cho tương lai bền vững của doanh nghiệp 03. Xu hướng ứng dụng AI trong ngành Bảo hiểm tại Việt Nam 04. Ứng dụng công nghệ trong mảng dịch vụ xét nghiệm y tế
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận