Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 1) - FPT Digital
Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 1)
Circular Economy

Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 1)

Hầu hết các loại nhựa thông thường đều có nguồn gốc từ hóa dầu, được sản xuất từ dầu và khí tự nhiên. Khai thác và tinh chế các nhiên liệu hóa thạch này là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, thải ra một lượng đáng kể carbon dioxide và các loại khí nhà kính vào khí quyển. Do đó, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng chuyển đổi xanh.

1. Xu hướng chuyển đổi xanh và chuyển động chính sách

1.1. Chuyển đổi xanh diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu

Trước bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, môi trường và các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt thì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững với những giải pháp “xanh” đang được các quốc gia quan tâm hơn bao giờ hết. Ngày 21/3/1994 công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu được phê duyệt bởi 197 quốc gia đặt ra mục tiêu giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu sau đó một năm Hội nghị đầu tiên được tổ chức với tên gọi COP1 (Conference of the Parties). Sự lan tỏa nhanh chóng của các giải pháp xanh đã giúp khái niệm “Chuyển đổi xanh” được sử dụng phổ biến trong các diễn đàn về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Cụ thể hơn khái niệm “Chuyển đổi xanh” (Green transition) đề cập đến quá trình chuyển từ một hệ thống kinh tế và xã hội có tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng các nguồn năng lượng không bền vững, sang một hệ thống bền vững hơn, thân thiện với môi trường và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Đến năm 2020 “Kế hoạch xanh” của liên minh châu Âu được thông qua với mục tiêu Châu Âu trung hòa khí carbon đến năm 2050 bằng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo, hay còn gọi là “rò rỉ carbon” qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài châu Âu.

Để ngăn chặn nguy cơ này, EU (Châu Âu) quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Ngày 15/9/2023 EU thông báo quy định thực thi (EU) 2023/956 yêu cầu nhà nhập khẩu hàng vào EU theo Cơ chế CBAM đăng ký với cơ quan quản lý trong nước và mua chứng chỉ CBAM.

Giá của chứng chỉ dựa vào giá tín chỉ phát thải hàng tuần của Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Nhà nhập khẩu trong EU kê khai hàm lượng phát thải trong hàng nhập khẩu và giao nộp số lượng tín chỉ tương ứng của mỗi năm. Nếu nhà nhập khẩu chứng minh được giá carbon đã được thanh toán khi sản xuất hàng nhập khẩu, lượng phát thải tương ứng có thể được khấu trừ, việc đánh thuế này là trụ cột quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và cũng là một trong những cơ chế mà EU khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.

Đến tháng 8/2022 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký kết Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), thông qua một ngân sách 369 tỷ đô la cho cơ sở hạ tầng năng lượng xanh. Hai tháng sau đó Đức cũng đã cam kết đầu tư 2,5 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng xe điện thay thế cho xe xăng. Đến tháng 4/2023, Canada đã công bố khoản trợ cấp lên tới 13,2 tỷ CAD (tương đương 9,8 tỷ USD) kéo dài 10 năm, cho nhà máy pin năng lượng của Volkswagen, nằm ở bang Ontario.

EU cũng đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050. Trong vòng hai năm vương quốc Anh (UK) có một loạt chính sách nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu đạt được mục tiêu Net Zero của Chính phủ vào năm 2050 bao gồm: Chiến lược giảm carbon trong ngành công nghiệp (tháng 3 năm 2021), Kế hoạch giảm carbon trong lĩnh vực giao thông (tháng 7 năm 2021), Chiến lược Hydrogen (tháng 8 năm 2021), Chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng của Anh (tháng 4 năm 2022), Chiến lược Tài chính Xanh (tháng 3 năm 2023).

Dưới đây là top 10 nền kinh tế đang phát triển được nhận đầu tư quốc tế giai đoạn 2015 – 2022 theo báo cáo Đầu tư của thế giới 2023 Liên Hiệp Quốc: Đứng đầu là Brazil với tổng giá trị được đầu tư 114.8 tỷ đô la xếp sau đó là Việt Nam với tổng giá trị được đầu tư được nhận là 106.8 tỷ đô la (chỉ kém Brazil 8 tỷ Đô la) với 31% tỉ lệ năng lượng tái tạo trong tổng giá trị dự án cho thấy xu hướng toàn cầu đang chú trọng phát triển năng lượng bền vững ở những quốc gia đang phát triển và phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch.

Top 10 nền kinh tế nhận được đầu tư quốc tế vào năng lượng tái tạo
Hình 1: Top 10 nền kinh tế nhận được đầu tư quốc tế vào năng lượng tái tạo
Nguồn: Theo báo cáo đầu tư thế giới năm 2023 của Liên Hợp Quốc

1.2. Cam kết của chính phủ Việt nam và chính sách hành động

Tại hội nghị COP26 được tổ chức vào tháng 11/2021 tại vương quốc Anh thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chỉ hai năm sau tại Dubai, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) tại COP28 cùng với. Nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch và Vương quốc Na Uy (viết tắt là IPG) cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Trong đó, 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế.

Chính phủ còn ban hành nhiều nghị định liên quan đến cải thiện môi trường như: Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 Quy định về một số điều luật bảo vệ môi trường, Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 05/05/2022 Quy định phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và quan trọng hơn là Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 Quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn nội dung bao gồm 4 Chương, 35 Điều, quy định chi tiết Điều 91, Điều 92 và Điều 139, được chia theo 02 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030, hướng tới đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là một trong các trường hợp sau:

  • Cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên
  • Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
  • Cơ sở xử lý chất thải rắn công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
Các trường hợp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Hình 2: Các trường hợp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Đến tháng 3/2025 các doanh nghiệp sẽ phải gửi số liệu tới các cơ quan quản lý, đồng thời, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do đó ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính, đầu tư công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải điều này đổi hỏi doanh nghiệp phải tốn chi phí đầu tư ban đầu, thay đổi quy trình sản xuất hoặc thay đổi trong chuỗi cung ứng của mình.

Các doanh nghiệp chuyển đổi xanh đang nhận được sự hỗ trợ lớn, có nhiều cơ hội, do đó việc tiên phong trong việc chuyển đổi xanh sẽ là một xu hướng tất yếu, ngoài ra việc chuyển đổi xanh còn thể hiện mức độ cam kết của doanh nghiệp vì các vấn đề về môi trường, xã hội từ đó tạo ra hình ảnh tích cực của trong mắt khách hàng và nhà đầu tư. Bên cạnh đó doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn trong quá trình chuyển đổi vì vậy đồng hành cùng với một bên thứ ba trong lĩnh vực này sẽ là một lựa chọn hợp lý thúc đẩy quá trình chuyển đổi thuận lợi hơn.

Bài đọc nhiều nhất
Circular Economy 19/12/2024

2. Tại sao doanh nghiệp ngành nhựa phải chuyển đổi xanh

Hầu hết các loại nhựa thông thường đều có nguồn gốc từ hóa dầu, được sản xuất từ dầu và khí tự nhiên. Khai thác và tinh chế các nhiên liệu hóa thạch này là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, thải ra một lượng đáng kể carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác vào khí quyển. Do đó, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng chuyển đổi xanh. Đồng thời, ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, xuất phát từ các yếu tố kỹ thuật, kinh tế, quy định và dựa trên thị trường.

2.1. Yếu tố chuyển đổi xanh tác động đến ngành nhựa

Các yếu tố chuyển đổi xanh tác động đến ngành nhựa
Hình 3: Các yếu tố chuyển đổi xanh tác động đến ngành nhựa
  • Tính bền vững về môi trường: Sản xuất nhựa truyền thống phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, vừa là nguyên liệu thô để tinh chế, vừa là nhiên liệu trong sản xuất, dẫn đến lượng khí thải carbon đáng kể và nguy cơ suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, thách thức toàn cầu về rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần, đã dẫn đến các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái. Bằng cách áp dụng quá trình chuyển đổi xanh, ngành nhựa có thể chuyển sang các hoạt động bền vững hơn, như phát triển nhựa phân hủy sinh học, tăng cường công nghệ tái chế và thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó giảm lượng rác thải nhựa.
  • Thuế carbon và tuân thủ quy định: Nhiều khu vực đang triển khai hoặc xem xét các cơ chế định giá carbon, chẳng hạn như thuế carbon hoặc hệ thống mua bán phát thải carbon, để khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều chính phủ trên toàn thế giới đang thực hiện các quy định chặt chẽ hơn về sản xuất nhựa và quản lý chất thải để chống ô nhiễm và khuyến khích các hoạt động bền vững. Bằng cách chủ động khử cacbon, các công ty có thể tránh hoặc giảm thiểu những chi phí này, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh so với những chi phí thích ứng chậm hơn.
  • Nhu cầu của người tiêu dùng: Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường ngày càng tăng. Các công ty áp dụng thực hành xanh trong quy trình sản xuất của mình có thể đáp ứng nhu cầu này, có khả năng đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường bằng cách thu hút người tiêu dùng có ý thức hơn về môi trường. Quá trình chuyển đổi xanh mở ra những cơ hội mới cho đổi mới trong khoa học vật liệu, công nghệ tái chế và quy trình sản xuất bền vững. Điều này có thể dẫn tới sự phát triển các sản phẩm và thị trường mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong các lĩnh vực bền vững.
  • Trách nhiệm xã hội: Các công ty ngày càng phải chịu trách nhiệm về tác động môi trường của mình. Bằng cách áp dụng các biện pháp thực hành xanh hơn, ngành nhựa có thể thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao danh tiếng và xây dựng mối quan hệ tốt hơn với cộng đồng, các bên liên quan và khách hàng.

2.2. Lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất nhựa

Đối với các công ty nhựa, quá trình chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, định vị thị trường và tính bền vững lâu dài của họ. Dưới đây là một số lợi thế chính:

Lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa khi chuyển đổi xanh
Hình 4: Lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất nhựa khi chuyển đổi xanh
  • Tiết kiệm chi phí và hiệu quả: Áp dụng các hoạt động khử cacbon trong các công ty nhựa có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và tăng hiệu quả theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ việc thực hiện các quy trình tiết kiệm năng lượng và hoạt động tái chế có thể giúp tiết kiệm chi phí đáng kể theo thời gian. Việc thực hiện các chiến lược giảm chất thải và tăng cường tái chế trong quy trình sản xuất có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nguyên vật liệu. Bằng cách tái chế vật liệu phế thải, các công ty có thể giảm nhu cầu về nguyên liệu thô, thường đắt hơn và tốn nhiều năng lượng hơn để sản xuất. Ngoài ra, tối ưu hóa quy trình sản xuất để tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm chi phí vận hành, giảm hao phí sản xuất và các chi phí xử lý môi trường.
  • Cơ hội thị trường và lợi thế cạnh tranh: Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng đối với các sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Các công ty chuyển đổi sang thực hành xanh có thể khai thác phân khúc thị trường này, tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh và có khả năng đưa ra mức giá cao cho các sản phẩm thân thiện với môi trường của họ. Ví dụ, các doanh nghiệp có thực thi các biện pháp công bố và lộ trình giảm phát thải sẽ có lợi thế khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ hơn các doanh nghiệp truyền thống. Các công ty thực hiện các bước chủ động hướng tới phát triển bền vững thường cải thiện về hình ảnh và danh tiếng thương hiệu của họ. Điều này có thể dẫn đến sự trung thành của khách hàng tăng lên, thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường và nâng cao sự hiện diện chung của công ty trên thị trường.
  • Quản lý rủi ro: Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên không tái tạo, các công ty có thể giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá cả và tính sẵn có của các nguyên liệu này. Quá trình chuyển đổi xanh có thể tạo nên chuỗi cung ứng đa dạng và an toàn hơn.
  • Cơ hội đổi mới công nghệ: Động lực hướng tới thực hành xanh khuyến khích đổi mới về vật liệu, quy trình sản xuất và công nghệ tái chế. Điều này có thể mở ra những cơ hội kinh doanh mới, từ việc phát triển nhựa phân hủy sinh học đến các phương pháp tái chế tiên tiến, định vị các công ty dẫn đầu tại các thị trường mới nổi.
  • Tiếp cận vốn xanh: Các nhà đầu tư và nhà tài trợ đang ngày càng tập trung vào các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Các công ty thể hiện cam kết về tính bền vững có thể thu hút đầu tư dễ dàng hơn và có khả năng đạt được điều kiện tốt hơn vì các công ty này được coi là có tư duy cầu tiến, minh bạch, đồng thời cũng có ít rủi ro khi đầu tư hơn. Ngoài ra, Các công ty thực hiện các bước quan trọng để khử cacbon có thể đủ điều kiện nhận các ưu đãi, trợ cấp của chính phủ hoặc các điều khoản tài trợ ưu đãi dành riêng cho các sáng kiến xanh. Nguồn tài trợ bên ngoài này có thể bù đắp chi phí thực hiện các biện pháp khử carbon

>> Xem tiếp: Xu hướng chuyển đổi xanh và định hướng tiếp cận cho doanh nghiệp sản xuất nhựa (Kỳ 2)

Reference:

  1. UNC TAD – World Investment Report 2023
  2. The Investor – Asean green transformation expected to lure $6.7 trillion in investments: Secretariat – 2023
  3. The Investor – Bosch Vietnam plant unveils rooftop solar system for sustainable energy production – 2023
  4. The Investor – Germany invests $5.4 million in Vietnam’s green hydrogen industry – 2023
  5. The Investor – Bamboo Capital’s $31.5 mln rooftop solar power deal wins national honor – 2023
  6. The Investor – Japanese firm Erex starts work on $20 mln biomass fuel plant -2023
  7. The Investor – REE acquires $38.5 mln HSBC bank green loan for LEED-certified building – 2023
  8. Bộ Tài nguyên & Môi trường – Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) – 2023
  9. TRUNG TÂM WTO VÀ HỘI NHẬP – LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM – Cơ chế CBAM của EU và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam – 2024
  10. Common Library – Government policy on reaching Net Zero by 2050 – 2023
  11. TNi – Giải pháp giảm phát thải, giúp các doanh nghiệp bắt kịp xu thế thị trường – 2023
Nghiên cứu nổi bật
01. Chuyển đổi số trên nguyên lý sản xuất tinh gọn: Lời giải tối ưu cho các nhà máy 02. Telecare: Giải pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi ngành y tế 03. Đo lường hiệu quả tiếp thị từ dữ liệu hợp nhất 04. Xu hướng ứng dụng AI trong ngành Bảo hiểm tại Việt Nam
Mr. Nguyễn Tuấn Anh
Giám đốc tư vấn khối Chuyển đổi xanh, ESG và Phát triển bền vững tại FPT Digital.
15 năm kinh nghiệm tư vấn chiến lược, chuyển đổi số, tài chính, kiểm soát rủi ro cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Dược phẩm, Sản xuất, Bán lẻ, Chế biến v.v. Chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực chuyển đổi bền vững theo các tiêu chí ESG, giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính. Thạc sĩ ngành QTKD chuyên ngành Tài chính và sở hữu các chứng chỉ chuyên môn VACPA, ACCA.
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận