Có đến 90% doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong ngành đang đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số. Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thế Phương chia sẻ về “Chuyển đổi số trong ngành sản xuất may mặc Việt Nam – Cơ hội từ hệ sinh thái dữ liệu” tại Diễn đàn Dệt May Việt Nam lần thứ 9 (Vietnam Textile Summit 9th).
Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về xanh hóa chuỗi sản xuất và phát triển bền vững, đặc biệt là trước yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và quy định về môi trường từ các thị trường lớn như châu Âu và Mỹ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Dệt may lần thứ 9 (Vietnam Textile Summit 9th) được tổ chức bởi Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), chuyên gia tư vấn Nguyễn Thế Phương đã có bài chia sẻ về “Chuyển đổi số trong ngành sản xuất may mặc Việt Nam – Cơ hội từ hệ sinh thái dữ liệu”.
Các số liệu nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện đang thấp nhất mặc dù mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn và là ngành chủ lực với tỷ lệ xuất khẩu cao. Ông Phương cho biết có đến 90% doanh nghiệp trong ngành đang đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số.
Ứng dụng công nghệ số sẽ đóng vai trò chủ chốt để hướng tới tương lai hiện đại hóa và tăng tỉ lệ chủ động trên chuỗi giá trị ngành dệt may tại Việt Nam. Trong đó, việc xây dựng cũng như tham gia vào nền tảng hệ sinh thái chia sẻ dữ liệu là cần thiết không chỉ với từng doanh nghiệp để khai phá các tiềm năng kinh doanh mới mà còn kết nối và thúc đẩy cả ngành dệt may phát triển.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình khai thác hệ sinh thái dữ liệu, chuyên gia Thế Phương khuyến nghị các hành động thiết thực: Thiết lập khung quy định pháp lý và tiêu chuẩn chung; Nâng cấp hệ thống CNTT; Xây dựng đội ngũ Công nghệ thông tin và Thúc đẩy sự hợp tác giữa các các bên cung cấp dữ liệu.