Ngày 01/12/2021 tại Hà Nội, Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) đã diễn ra phiên khai mạc trên nền tảng trực tuyến.
Sự kiện được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam VINASA nhằm tạo ra các cơ hội để cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam, góp phần tăng tốc đưa Việt Nam sớm trở thành một quốc gia số phát triển.
Tham dự sự kiện, tại phiên khai mạc với chủ đề “Tăng tốc Chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số”, ông Trần Huy Bảo Giang – CEO FPT Digital chia sẻ về phương pháp và lộ trình tăng tốc chuyển đổi số cho doanh nghiệp, một số thực tiễn và giải pháp, nhằm giúp các doanh nghiệp nắm bắt thời điểm vàng để chuyển đổi mạnh mẽ.
Ông Trần Huy Bảo Giang cho biết, doanh nghiệp Việt đã và đang gặp vô vàn khó khăn khi trải qua 4 làn sóng Covid-19. Có đến 17,8% doanh nghiệp thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng gần 20% so với 2020, hơn thế nữa, 34% doanh nghiệp gặp khó khăn chủ động về nguồn vốn để duy trì hoạt động, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ngay cả trong trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với bài toán làm thế nào để có thể phục hồi sớm nhất và tạo đà tăng trưởng, đảm bảo an toàn sức khoẻ và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh được toàn vẹn.
Nhằm giải quyết những khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp như trên, ông Trần Huy Bảo Giang đã đưa đến cái nhìn khách quan từ phía Tập đoàn FPT trong việc ứng dụng và triển khai thành công, hiệu quả các giải pháp tối ưu hiệu suất lao động, tiết kiệm chi phí vận hành, cùng những câu chuyện thành công dựa trên phương pháp luận Chuyển đổi số.
Tiếp nối phiên hội thảo khai mạc diễn ra ngày 01/12/2021 với chủ đề: “Tăng tốc Chuyển đổi số hướng tới một Việt Nam số”, ngày 02/12/2021, ông Vương Quân Ngọc – Giám đốc tư vấn FPT Digital tham dự phiên Hỏi đáp cùng chuyên gia. Đây là phiên hỏi đáp trực tiếp với các chuyên gia về chuyển đổi số có nhiều năm kinh nghiệm trong các hoạt động quản lý, vận hành của các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức.
Tại phiên Q&A “Khái quát chung về chuyển đổi số”, ông Ngọc đã có những chia sẻ thực tế về khái niệm chuyển đổi số cùng những xu hướng chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, những khó khăn và thách thức khi triển khai thực hiện giúp doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả, phát triển bền vững trong thời đại công nghệ mới.
Cùng trong khuôn khổ diễn đàn Vietnam DX Summit 2021, chiều ngày 02/12/2021, ông Lê Vũ Minh – Giám đốc khối tư vấn Chiến lược và Đổi mới sáng tạo FPT Digital tham dự phiên Hỏi đáp cùng chuyên gia với chủ đề “Phương pháp luận Chuyển đổi số” nhằm đưa đến góc nhìn và cách tiếp cận chuyển đổi số trong hành trình từ xây dựng chiến lược đến thực thi.
Ông Minh cho rằng phương pháp luận sẽ là một trong các lời giải quan trọng cho các câu hỏi: Làm thế nào để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công khi chuyển đổi số là câu chuyện lớn và tạo ra nhiều thay đổi trong doanh nghiệp? Và việc đảm bảo cân bằng giữa thay đổi và ổn định được thể hiện như thế nào trong quá trình này?
Trong phương pháp luận, việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp cần sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố: kinh doanh, công nghệ, con người. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cần đảm bảo có đủ tầm nhìn trung, dài hạn, với sự tập trung giải quyết ưu tiên những vấn đề trước mắt, từ đó hoạch định lộ trình phù hợp cho doanh nghiệp, tổ chức của mình, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và ngày càng tăng trưởng.
Chuyển đổi số tại Việt Nam đã mang lại kết quả vượt mong đợi cùng sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Nhận thức của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xã hội về chuyển đổi số đang ngày càng được lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ. Bên cạnh mục tiêu tăng tốc và nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, sự chuyển biến hiệu quả và tích cực này có được nhờ những chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chuyên môn, đồng thời, cùng sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ – lực lượng tiên phong của quá trình chuyển đổi số toàn diện.