Vì sao chuyển đổi số thất bại? 12 sai lầm cần tránh   - FPT Digital
Vì sao chuyển đổi số thất bại? 12 sai lầm cần tránh  
Digital Strategy

Vì sao chuyển đổi số thất bại? 12 sai lầm cần tránh  

Chuyển đổi số đang là xu hướng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công. Vậy vì sao Chuyển đổi số thất bại, hay chính xác hơn là không đạt được kỳ vọng? Tham khảo ngay 10 nguyên nhân thường gặp dẫn đến thất bại trong Chuyển đổi số và cách khắc phục ở bài viết dưới đây nhé.

Nghiên cứu từ Forbes cho thấy 70% doanh nghiệp gặp thất bại hoặc khó khăn khi thực thi chương trình Chuyển đổi số. Đặc biệt với các doanh nghiệp quy mô lớn, lâu đời, việc thực thi các chiến lược chuyển đổi này một cách toàn diện và hiệu quả lại càng có nhiều trở ngại.

Các thách thức mà doanh nghiệp thường gặp có thể tựu trung thành 3 nhóm lớn:

  • Chậm trễ:

Thường gặp ở những doanh nghiệp bắt đầu Chuyển đổi số với một tư duy cũ và do vậy chậm chân hơn so với đối thủ. Nhiều doanh nghiệp chỉ coi Chuyển đổi số thuần túy là số hóa quy trình quản lý hay xây dựng một trang thương mại điện tử (việc mà các doanh nghiệp khác đã làm từ lâu) thì Chuyển đổi số khó có thể thành công.

  • Kém hiệu quả:

Thường rơi vào các doanh nghiệp không dám “nghĩ lớn” khi đặt các mục tiêu và tầm nhìn. Họ không dám “đặt cược” và dồn nguồn lực cần thiết khiến việc Chuyển đổi số chỉ diễn ra ở quy mô nhỏ và mang tính riêng lẻ.

  • Không có khả năng thực thi:

Là những doanh nghiệp gặp thất bại khi tìm cách đưa các sáng kiến số vào hoạt động. Dù có sự chuẩn bị nhưng các sản phẩm, dịch vụ số của họ không thể đưa vào thị trường, không có khách hàng và dẫn tới việc mọi hoạt động của doanh nghiệp phải quay lại cách truyền thống.

Với các doanh nghiệp trên, bất kể thuộc nhóm nào thì họ đều hay mắc phải một hoặc nhiều các sai lầm phổ biến sau khi thực thi chương trình Chuyển đổi số của mình.

vì sao chuyển đổi số thất bại

1. Sai lầm trong chiến lược chuyển đổi số

Sai lầm:

Nhiều doanh nghiệp lại bước vào chương trình Chuyển đổi số mà thiếu đi một chiến lược rõ ràng, cụ thể dựa trên thực trạng doanh nghiệp và mong muốn trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp đặt quá nhiều trọng tâm vào các vấn đề công nghệ, xu hướng xung quanh. Nhưng họ lại quên mất sự đối chiếu với nội tại, sự phù hợp với con người, nguồn lực, định hướng. Đó là nguyên nhân quan trọng vì sao chuyển đổi số thất bại.

Hậu quả:

Kết quả là chiến lược Chuyển đổi số trở nên rời rạc, không đi liền với chiến lược kinh doanh, không nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Giải pháp phù hợp:

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng trọng tâm của chương trình Chuyển đổi số cần hướng tới. Mục tiêu chính gồm:

  • Tập trung cải thiện vận hành.
  • Mang tới trải nghiệm khách hàng xuất sắc.
  • Xây dựng mô hình kinh doanh mới;…

Dĩ nhiên, để xác định đúng chiến lược Chuyển đổi số là một vấn đề không đơn giản. Doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực nội bộ, và có thể là các đơn vị tư vấn bên ngoài, để xem xét kỹ lưỡng và xác định đúng chiến lược số cho mình.

2. Mục tiêu chuyển đổi số không rõ ràng

Sai lầm:

Vì sao chuyển đổi số thất bại? Một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số như một trào lưu chứ chưa coi đó là một chiến lược quan trọng cần thực hiện. Bởi vậy mục tiêu chuyển đổi số chỉ dừng ở việc đầu tư thêm hệ thống, ứng dụng một cách rời rạc.

Hậu quả:

Chuyển đổi số không mang lại kết quả được phản ánh vào hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp sẽ cho rằng chuyển đổi số thất bại.

mục tiêu không rõ ràng khiến chuyển đổi số thất bại

Giải pháp phù hợp:

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo các doanh nghiệp phải suy nghĩ rất rõ ràng về các cột mốc mà mình mong muốn đạt tới trong 1 năm, 3 năm, 5 năm… tới. Với từng cột mốc, doanh nghiệp cần xác định các công việc và mục tiêu cụ thể của từng phòng ban, đơn vị sẽ là gì? Các đơn vị cần làm gì để đóng góp vào bức tranh chuyển đổi số tổng thể của doanh nghiệp?

Đây sẽ là kim chỉ nam dẫn lối cho toàn bộ quá trình lên kế hoạch, thực thi, kiểm tra, đánh giá điều chỉnh chương trình Chuyển đổi số. Nếu không có đích đến, Chuyển đổi số có nhiều nguy cơ trở thành một chương trình gây lãng phí hơn là một chương trình mang tính chiến lược.

3. Thiếu chuyên môn và kinh nghiệm về chuyển đổi số

Chuyển đổi số không phải là một công việc quá cao siêu. Thế nhưng, nhìn nhận thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để có thể chuyển đổi số thành công.

Hậu quả:

Thiếu chuyên môn dẫn tới việc chương trình Chuyển đổi số không tạo ra được sự hợp lực và huy động được sự tham gia của toàn bộ đội ngũ trong doanh nghiệp.

Giải pháp:

Các nhà lãnh đạo cũng như đội ngũ nhân sự khi thực hiện chuyển đổi số cần trau dồi kỹ năng và chuyên môn cần thiết, cụ thể như:

  • Phương pháp luận nào là phù hợp để doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.
  • Các kỹ năng và công nghệ số nào có thể áp dụng phù hợp.
  • Các vấn đề nào cần lưu ý để quản trị sự thay đổi trong quá trình Chuyển đổi số

Trong trường hợp này, sự tham gia của các đơn vị tư vấn Chuyển đổi số là cần thiết. Đơn vị tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp vừa tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, đồng thời triển khai được chương trình Chuyển đổi số hiệu quả.

4. Thiếu lãnh đạo có khả năng thúc đẩy đổi mới

Chuyển đổi số không phải là chương trình của riêng lãnh đạo. Thế nhưng, nếu không có sự bảo trợ và thúc đẩy từ đội ngũ đứng đầu doanh nghiệp, không chương trình Chuyển đổi số nào có thể thành công.

Sự thúc đẩy đổi mới cần được thực hiện từ cấp cao cho đến từ nhân viên trong bộ máy doanh nghiệp. Sự cam kết trong toàn bộ hệ thống giúp cho chương trình Chuyển đổi số được quản lý và kiểm soát đúng cách. Từ đó, kế hoạch để triển khai đạt được hiệu quả như mong đợi.

Giải pháp phù hợp:

Hơn ai hết, lãnh đạo doanh nghiệp phải là người có quyết tâm cao nhất, là người truyền cảm hứng mãnh liệt nhất cho chương trình Chuyển đổi số của doanh nghiệp mình. Từ đó mới có thể khuyến khích các quản lý và nhân viên cùng tham gia và cam kết trong quá trình thực thi.

Lãnh đạo thúc đẩy đổi mới

5. Văn hóa doanh nghiệp không thay đổi kịp thời để đáp ứng chuyển đổi số

Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được thay đổi nhưng bản thân văn hóa doanh nghiệp lại không ủng hộ những giá trị đổi mới sáng tạo, không khuyến khích sự thay đổi khiến chương trình Chuyển đổi số không thể lan tỏa ở diện rộng. Đó là lý do vì sao chuyển đổi số thất bại.

Giải pháp phù hợp:

Để bước vào giai đoạn Chuyển đổi số thành công khi văn hóa doanh nghiệp cũng cần được định hình lại. Việc thay đổi và bổ sung các giá trị văn hóa số đóng vai trò đồng hành xuyên suốt quá trình phát triển. Chỉ khi nào văn hóa số trở thành một phần không thể thiếu thì Chuyển đổi số mới thực sự trở thành chương trình chung của toàn doanh nghiệp.

6. Vấp phải sự phản kháng từ nội bộ với sự thay đổi

Vì sao chuyển đổi số thất bại? Đứng trước sự chuyển mình mang tính bước ngoặt, một phản ứng thường gặp của con người là phản kháng và chống lại sự thay đổi. Rất nhiều sự nghi ngờ sẽ được đặt ra như liệu Chuyển đổi số có làm tôi mất việc, tại sao hàng chục năm nay tôi đều làm như vậy mà nay phải thay đổi…

Nếu không vượt qua các rào cản này từ đội ngũ nhân sự, chương trình Chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ không thể nào triển khai và thực thi được. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần một chiến lược cụ thể nhằm thay đổi nhận thức nội bộ với sự thay đổi.

Giải pháp phù hợp:

Việc hạn chế và vượt qua sự phản kháng từ nội bộ là cả một thách thức cho doanh nghiệp. Khi này, tầm quan trọng của nhà lãnh đạo với vai trò “người truyền lửa” và vấn đề văn hóa doanh nghiệp trong quá trình Chuyển đổi số chính là yếu tố quyết định.

7. Không phối hợp thực hiện giữa các bộ phận

Một trong những chủ đề thường được nhắc đến khi Chuyển đổi số là phối hợp liên phòng ban. Theo đó các phòng ban phải tìm cách vượt qua các ranh giới vô hình về chức năng để kết nối với nhau và trở thành một khối thống nhất theo luồng giá trị trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, điều này cũng không hề dễ dàng khi mỗi phòng ban đều có các “cứ điểm” riêng của mình, chức năng và lợi ích riêng. Không dễ gì để các phòng ban có thể cởi mở, minh bạch về toàn bộ hoạt động của mình để bắt tay và phối hợp với các đơn vị khác.

8. Không tuyển dụng đúng nhân tài

Không thể phủ nhận khi Chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ thực hiện các bước tiến mới và có thể bước sang các lãnh địa mới. Và đi cùng với Chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần có những nhân tài mới phù hợp cho tương lai doanh nghiệp.

Câu hỏi đặt ra là những nhân tài này có được chào đón tại doanh nghiệp, phát huy năng lực và phẩm chất trong một môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây là nhiệm vụ cho đội ngũ quản lý nhân sự của doanh nghiệp cần tìm ra được đúng người, đúng thời điểm và có quy trình để biến các nhân tài này thành tài sản quý giá cho chương trình Chuyển đổi số của doanh nghiệp.

không tuyển đúng nhân tài khiến chuyển đổi số thất bại

9. Bỏ qua chuyển đổi trải nghiệm khách hàng

Sự thay đổi của công nghệ trên diện rộng đã tạo ra các nhu cầu và thị hiếu rất khác cho khách hàng. Khách hàng của ngày hôm nay sẽ có những nhu cầu, sở thích và nguyện vọng rất khác ngày hôm qua. Nếu doanh nghiệp bỏ qua vấn đề trải nghiệm khách hàng trong chương trình Chuyển đổi của mình, đó chắc chắn không phải là một chương trình thực sự thành công.

bỏ qua trải nghiệm khách hàng nên chuyển đổi số thất bại

Giải pháp phù hợp:

Để làm được việc này, doanh nghiệp cần chú trọng vào việc nâng cao trải nghiệm khách hàng. Để giúp Chuyển đổi số thành công, điều cần làm là đưa ra giải pháp cho các câu hỏi:

  • Hành trình khách hàng ra sao?
  • Các công cụ gì cần có để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu khách hàng là gì?
  • Các trải nghiệm mà doanh nghiệp muốn tạo ra là gì?

10. Chưa có kế hoạch dự trù sau khi chuyên gia rời đi

Như đã đề cập ở trên, các chuyên gia tư vấn hay đơn vị bên ngoài là một nguồn bổ sung thực sự hữu ích hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua thực tế là chuyên gia sẽ tới giúp giải quyết một số vấn đề rồi rời đi. Những cán bộ nhân viên của doanh nghiệp mới là người ở lại trên con đường dài hơi của chương trình Chuyển đổi số.

Vậy làm sao để xây dựng một đội ngũ trong nội tại doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận và kế thừa các giá trị từ chuyên gia tư vấn, các kế hoạch tiếp theo phân bổ nguồn lực bên trong, bên ngoài…là các vấn đề mà doanh nghiệp cần dự trù nhằm hạn chế việc chuyển đổi số thất bại và đảm bảo quá trình chuyển đổi số có sự tiếp nối liên tục.

11. Lựa chọn công nghệ không phù hợp

Các công nghệ mới liên tục ra đời như Blockchain, Big Data, AI, IoT… và nhiều khi khiến các doanh nghiệp trở nên choáng ngợp. Nếu “nhắm mắt” áp dụng tất cả những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất thì chương trình Chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ trở nên thất bại.

Điều quan trọng trước khi áp dụng một công nghệ mới là xem xét mức độ phù hợp của công nghệ đó với thực trạng và nhu cầu của doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, doanh nghiệp có nhu cầu và mong muốn áp dụng công nghệ mới nhưng hệ thống hạ tầng hiện tại quá cũ kỹ và không đủ khả năng đáp ứng.

Khi đó, những công nghệ mới không những không phát huy được giá trị của mình mà thậm chí còn gây sức nặng lên hệ thống hiện tại. Điều này khiến hệ thống trở nên tê liệt và ảnh hưởng tới hoạt động vận hành hàng ngày.

Giải pháp phù hợp:

Lời khuyên ở đây là cần cẩn trọng đánh giá toàn bộ hiện trạng công nghệ thông tin trong quá trình Chuyển đổi số. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có lộ trình từng bước nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin trở nên đồng bộ theo lộ trình triển khai áp dụng các ứng dụng mới, công nghệ mới.

12. Đánh giá quá cao lợi ích và đánh giá thấp chi phí

Chuyển đổi số cần được coi là một quá trình đầu tư dài hơi hơn là một kế hoạch ngắn hạn. Do vậy, doanh nghiệp cần xem xét và bố trí nguồn lực đầu tư một cách phù hợp theo khả năng của mình. Rất nhiều doanh nghiệp đã gặp thất bại trong Chuyển đổi số khi kỳ vọng quá cao về lợi ích đạt được mà quên đi mức chi phí đầu tư tương xứng cần phải bỏ ra.

Giải pháp phù hợp:

Để tránh phải bẫy này, các chương trình Chuyển đổi số của doanh nghiệp cần được tính toán rất cụ thể những lợi ích mang lại (tăng trưởng doanh thu, tiết giảm chi phí, khách hàng mới…) dựa trên dữ liệu có thể thống kê. Tương ứng với đó, mức chi phí đầu tư, bao gồm cả phát triển mới và vận hành sau đó, cũng cần được lên kế hoạch cụ thể. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đánh giá được hiệu quả kỳ vọng của từng chương trình Chuyển đổi số và cái gì nên triển khai trước để tối đa hóa  lợi ích tổng thể.

Chuyển đổi số là một chương trình lớn mang tính chiến lược của doanh nghiệp. Và trong tất cả các chương trình chuyển đổi lớn, việc tính toán và quản trị rủi ro là một yếu tố vô cùng quan trọng.

12 vấn đề nêu trên là nguyên nhân vì sao chuyển đổi số thất bại. Vượt qua những thách thức này, doanh nghiệp không những có thể xây dựng một chương trình Chuyển đổi số thành công mà còn kiến tạo các giá trị mới, xây dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong chặng đường sắp tới.

 

Nguồn tham khảo:
(1) Forbes. 2021 13 Industry Experts Share Reasons Companies Fail At Digital Transformation
(2) TechTarget. 2021 Why digital transformations fail: Top 6 reasons
(3) Building Better Software. 2022 70% of Digital Transformations Fail — Don’t Be One of Them
(4) Nacencomm. 2021 Vì Sao Doanh Nghiệp Chuyển Đổi Số Không Thành Công?

Nghiên cứu nổi bật
01. Tầm quan trọng của quản lý vòng đời sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất 02. Dự án khai thác dữ liệu khách ra vào bằng camera sẵn có tại cửa hàng bán lẻ 03. Nhà máy xanh – Xu hướng tất yếu của nền công nghiệp tương lai 04. Mô hình tiếp cận phát triển kinh tế biển bền vững
Đăng kí theo dõi ngay!
Cập nhật những xu hướng và phân tích mới nhất về chuyển đổi số với các bản tin điện tử của FPT Digital.

    Tìm hiểu về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
    Xác nhận